Động lực để Phú Yên thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia

25/04/2023
(VBSP News) Theo chân Đoàn công tác Trung ương do Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng làm Trưởng đoàn, chúng tôi về Phú Yên giữa nắng nóng gay gắt của đầu mùa hè cuối tháng tư.
IMG_0475

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ Phú Yên

Vẫn mảnh đất hiền hòa nằm bên sườn Đông dãy Trường Sơn nhưng lòng lại thấy một Phú Yên mới đang từng ngày khởi sắc từ việc phát huy lợi thế kinh tế biển với bờ biển dài gần 200km. Ngay cả vùng đồi núi chiếm 70% diện tích đất tự nhiên từng là thách thức trong phát triển kinh tế của địa phương, thì nay cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện cũng phần nào giúp cho nền kinh tế thị trường về từng ngóc ngách xã, phường, thị trấn. Người nghèo và các đối tượng chính sách khác cũng không bị bỏ lại phía sau trong dòng chảy phát triển kinh tế của tỉnh khi có sự trợ giúp hữu hiệu của NHCSXH với các chương trình tín dụng chính sách “đo ni đóng giày” cho từng nhu cầu thiết yếu, cùng sự chung tay của địa phương, đặc biệt từ khi triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW.

IMG_0497

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu tại buổi làm việc với NHCSXH

Từ một chủ trương đúng
Đơn cử như Tây Hòa - huyện Nông thôn mới đầu tiên nằm ở phía Tây của tỉnh Phú Yên vào năm 2018. Vậy, mà giờ đã có tới 8 xã hoàn thành tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao.
Nhưng ít ai biết rằng 18 năm trước, khi chia tách huyện Tuy Hòa thành 2 huyện Đông Hòa và Tây Hòa, điều kiện phát triển kinh tế của huyện vô cùng khó khăn.
Khi đó có đến 10 xã và 1 thị trấn, trong đó 4 là xã miền núi; kết cấu hạ tầng hầu như chưa có gì, xuất phát điểm kinh tế thấp, mặt bằng dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 18,78% tổng số hộ… Mảnh đất căn cứ Cách mạng, quê hương Anh hùng trải qua hai cuộc kháng chiến, nhiều nơi trở thành “Vành đai trắng” do bị bom đạn tàn phá. Cũng bởi vậy, cùng với công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo là một mục tiêu trọng yếu của huyện.
NHCSXH huyện Tây Hòa khi đó dù mới tách ra từ NHCSXH huyện Tuy Hòa, nhưng với nền tảng tín dụng chính sách sẵn có đã bắt nhịp ngay vào việc hỗ trợ kịp thời, đầy đủ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, gắn tín dụng với các định hướng phát triển kinh tế, cơ cấu lại nông nghiệp, giúp các hộ dân vay vốn tạo dựng sinh kế hiệu quả, bền vững.
Với quan điểm thông suốt “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Hơn 20 năm qua NHCSXH huyện Tây Hoà đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, sau khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW cùng với việc hỗ trợ đắc lực NHCSXH nâng cao chất lượng tín dụng và hoạt động, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương dần tăng lên hàng năm là điểm tựa để NHCSXH triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng đa dạng, đáp ứng yêu cầu giảm nghèo bền vững và xây dựng Nông thôn mới.

IMG_0285

Người nghèo và các đối tượng chính sách ở Phú Yên làm thủ tục, nhận vốn vay ngay tại Điểm giao dịch xã

Tính đến ngày 22/4/2023, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Tây Hoà đạt 457 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đạt 27,2 tỷ đồng, chiếm 5,95% tổng nguồn vốn.
Khi đánh giá về tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ vào giữa năm 2022, NHCSXH huyện Tây Hoà đã cho vay được trên 63 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt 1.162,5 tỷ đồng, góp phần giúp hàng nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3.867 lao động, giúp hơn 1.800 lượt hộ gia đình vùng khó khăn vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, hơn 12.400 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 17.892 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…, từ đó góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2022 về còn 2,81%.
Hiện nay, NHCSXH huyện Tây Hoà đang đáp ứng vốn cho 10.291 hộ nghèo và đối tượng chính sách (chiếm 29,46% tổng số hộ toàn huyện) với tổng dư nợ đạt 455 tỷ đồng, tiếp tục hỗ trợ huyện giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới nâng cao và hướng tới trở thành miền quê đáng sống.

IMG_0271

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng (ngồi giữa) lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hộ vay tại Điểm giao dịch NHCSXH xã Hoà Phong, huyện Tây Hoà

Sức mạnh từ sự cộng hưởng của địa phương
Báo cáo trình bày của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo - Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị chi nhánh NHCSXH tỉnh tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên với NHCSXH vào chiều 25/4 càng minh chứng thêm cho hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư với việc tối ưu hóa các chương trình tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Cùng với việc đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hàng năm, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác NHCSXH năm sau cao hơn năm trước, tăng cường nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo điều kiện để chi nhánh NHCSXH tỉnh và các huyện, thị xã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Đến hết tháng 3/2023, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay là 272,3 tỷ đồng, tăng 2.574 tỷ đồng (gấp 18,3 lần) so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, chiếm 6,3% tổng nguồn vốn của chi nhánh. Trong đó, ngân sách tỉnh là 168,6 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện là 103,7 tỷ đồng.
Cộng hưởng từ nguồn vốn ủy thác của địa phương đã đưa tổng nguồn vốn đến hết tháng 3/2023 tại Phú Yên là 3.977 tỷ đồng, tăng hơn 35 lần so với khi thành lập NHCSXH (năm 2002), tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Đây cũng là nền tảng từ khi thành lập cho đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã bao phủ 100% thôn (buôn, khu phố) của 110 xã (phường, thị trấn), trong đó tập trung ưu tiên cho vay các xã có đông đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng nông thôn, với trên 620 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng doanh số cho vay đạt 12.459 tỷ đồng.

IMG_0437a

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên với NHCSXH

Nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp cho trên 84 nghìn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 74 nghìn lao động, giúp hơn 54 nghìn lượt hộ vùng khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, hơn 65 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 240 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 3.443 căn nhà ở cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách, 392 căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung và 538 căn nhà ở xã hội cho khách hàng có thu nhập thấp…
Tín dụng chính sách cũng đã làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2001 - 2005 từ 15,32% xuống 5,12%. Giai đoạn 2005 - 2010 từ 19,31% xuống 9,05%. Giai đoạn 2011 - 2015 từ 19,46% xuống 9,73%. Giai đoạn 2016 - 2021 từ 12,62% xuống 2,17% và giảm 0,87% trong năm 2022.
Ngoài ra, còn góp phần tích cực xây dựng Nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Tính đến cuối năm 2022 tỉnh Phú Yên có 63 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 15 xã đạt Nông thôn mới nâng cao và 3 đơn vị cấp huyện: TP. Tuy Hòa, huyện Tây Hòa và huyện Phú Hòa đạt 100% xã Nông thôn mới.
Đến hết tháng 3/2023, chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên đang cho vay hơn 89 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với tổng dư nợ đạt 3.968 tỷ đồng, tăng gấp hơn 35 lần so với 20 năm trước (năm 2002), chiếm hơn 34% tổng số hộ toàn tỉnh, góp phần hỗ trợ tỉnh thực hiện mục tiêu theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo và giảm 1/3 hộ cận nghèo so với đầu kỳ (giai đoạn 2022 - 2025); phấn đấu 50% hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định, bền vững.
Tuy nhiên, con số 34% số hộ dân của tỉnh là khách hàng của NHCSXH và tỷ lệ nghèo đa chiều qua rà soát năm 2022 (gồm hộ nghèo và hộ cận nghèo) là 12,12% cho thấy, công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững của Phú Yên vẫn còn là một thách thức.
Bên cạnh đó, hằng năm, nhân dân tỉnh Phú Yên chịu tác động của biến đổi khí hậu, bão lũ bất thường, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tiềm ẩn rủi ro. Nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người lao động trên địa bàn. Lượng người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh rất ít so với các tỉnh trong khu vực và cả nước.
Trước thực trạng này, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn, trong đó ưu tiên cân đối bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương đến năm 2030 chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn, góp phần thực hiện thành công chung Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.
Để tạo điều kiện đẩy mạnh, khuyến khích người lao động trên địa bàn tỉnh đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sớm tham mưu xây dựng Đề án mở rộng đối tượng đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn bằng nguồn vốn địa phương, mỗi năm dành 50 tỷ đồng để cho vay, giải quyết ít nhất 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo kế hoạch hàng năm của tỉnh.
Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Đại Dương đề nghị NHCSXH Việt Nam bố trí phân bổ thêm nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là giải quyết việc làm; đề xuất nâng mức vay một số chương trình phù hợp với thực tiễn.
Ghi nhận về hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp của tỉnh Phú Yên đã tạo điều kiện tốt nhất cho chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện trọng trách nhiệm vụ Chính phủ giao, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cam kết, NHCSXH sẽ đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo các chương trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, do nguồn lực ngân sách Trung ương có hạn và dành cho các chương trình tín dụng ưu tiên nên đối với nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, tinh thần là Trung ương và địa phương cùng làm theo phương thức đối ứng.
Vì vậy, để mở rộng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, Tổng Giám đốc đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban đại diện HĐQT tỉnh Phú Yên quan tâm chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong đó, chính quyền các cấp ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đồng thời, chỉ đạo UBND tỉnh và các Sở, ngành sớm xây dựng, triển khai Đề án mở rộng đối tượng đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn bằng nguồn vốn địa phương giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo.

Việt Hải thực hiện

Các tin bài khác