Tín dụng chính sách đồng hành cùng Kiên Giang tạo đà phát triển kinh tế bền vững

14/04/2023
(VBSP News) Trở lại Kiên Giang theo chương trình công tác do Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng làm Trưởng đoàn, chúng tôi không khỏi cảm phục trước sự “thay da đổi thịt” từng ngày của mảnh đất cực Tây Nam Tổ quốc. Khát vọng trở thành tỉnh giàu mạnh toàn diện, đóng vai trò quan trọng trong tổng thể chiến lược kinh tế biển của cả nước đang được hiện thực hóa trên thành phố biển Rạch Giá sôi động, hiện đại; thiên đường du lịch Phú Quốc, đặc khu kinh tế Hà Tiên... Kinh tế Kiên Giang phát triển không chỉ theo chiều rộng mà cả chiều sâu với việc “không để ai bị bỏ lại phía sau” cùng các chương trình tái cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch lồng ghép cùng các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong hơn 20 năm qua.
anh 1

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng (áo trắng, ngồi giữa) trò chuyện với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở phường Dương Đông, TP. Phú Quốc

Tín dụng chính sách nơi đảo ngọc                        
Như Phú Quốc, từ một huyện đảo nguyên sơ 20 năm trước với lợi thể chủ yếu là nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, nay đã trở thành thành phố đảo đầu tiên của cả nước vào năm 2021.
Không chỉ khoác lên mình “tấm áo mới”, những con đường mới rộng lớn, điện đường và rất nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp hòa quyện cùng thiên nhiên tuyệt mỹ… đã tạo nên một Phú Quốc hoàn toàn mới với tên gọi “Thiên đường du lịch”, là hòn ngọc quý của đất nước Việt Nam. Tiềm năng du lịch được khai phá mang theo các cơ hội phát triển kinh tế mới, chuyển đổi sinh kế cho nhiều người dân, song, cũng trợ lực cho nhiều người dân phát huy những làng nghề truyền thống từ lợi thế thổ nhưỡng địa phương phát triển kinh tế.
Trong dòng chảy đó, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ được NHCSXH triển khai thực hiện hơn 20 năm qua đã và đang giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cùng hòa nhịp phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Trong hơn 20 năm qua, nguồn vốn hỗ trợ đắc lực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các Ngân hàng thương mại. Qua đó, giúp gần 8.586 hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu; giải quyết việc làm cho gần 5.354 lao động; giúp cho gần 4.619 học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 143.829 công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng; 110 căn nhà ở cho hộ nghèo,… Tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội địa phương. Đặc biệt, góp phần làm giảm tệ nạn cho vay nặng lãi. Đến cuối năm 2022 cả thành phố Phú Quốc chỉ còn 111 hộ nghèo (tỷ lệ 0,25%), 87 hộ cận nghèo (tỷ lệ 0,19%).

anh 2

Trong suốt quá trình hoạt động hơn 20 năm qua, NHCSXH TP Phú Quốc luôn duy trì đều đặn phiên trực giao dịch cố định hàng tháng tại các Điểm giao dịch xã, phường; nâng cao chất lượng các buổi họp giao ban nhằm phổ biến kịp thời các chính sách mới, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở để có biện pháp tháo gỡ kịp thời

Tuy nhiên, câu chuyện giảm nghèo bền vững, tạo việc làm tăng thu nhập trên địa bàn thành phố vẫn là bài toán lớn. Những vấn đề này cũng đã được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Kiên Giang và cấp uỷ Đảng, chính quyền thành phố Phú Quốc nhận thức rõ, qua việc chung tay cùng NHCSXH triển khai quyết liệt và có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Tính đến hết hết quý 1/2023, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt gần 75 tỷ đồng, tăng hơn 8,3 tỷ đồng so với đầu năm (+12,46%), đạt 97,65% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng. Doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 22,3 tỷ đồng, với 630 lượt khách hàng vay vốn từ đầu năm. Tổng dư nợ tại NHCSXH TP. Phú Quốc đến nay đạt 281,5 tỷ đồng, với 7.257 hộ còn dư nợ.
Thực hiện triển khai cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, đến nay, NHCSXH TP Phú Quốc đã giải ngân được 172 khách hàng, với số tiền 8,68 tỷ đồng.
Kiên cường vươn lên
Với toàn tỉnh Kiên Giang, câu chuyện cho vay tín dụng chính sách còn có thêm trọng tâm hỗ trợ đồng bào DTTS và đối tượng chính sách ở những vùng khó khăn khi dân số toàn tỉnh gần 1.733 nghìn người, 461.133 hộ dân với 6 dân tộc chính (Kinh, Hoa, Khmer, Chăm, Tày, Ê Đê); DTTS trên 69 nghìn hộ, chiếm 15%.

Anh 3

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng trao đổi với lãnh đạo UBND xã và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội phường Dương Đông, TP Phú Quốc

Trong bối cảnh kinh tế của tỉnh Kiên Giang phát triển nhanh, để thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, tạo đà cho tỉnh phát triển bền vững, trong hơn 20 năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã tham mưu cho chính quyền địa phương gia tăng nguồn vốn ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thành phố ủy thác sang NHCSXH để bổ sung cho vay.
Qua đó, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, kể từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND tỉnh, huyện, thành phố cân đối ủy thác sang NHCSXH đạt hơn 376,1 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tăng hơn 51,4 tỷ đồng so với đầu năm đạt 114,37% kế hoạch giao, từ đó, nâng tổng nguồn vốn tín dụng đến ngày 12/4/2023 là trên 5.028 tỷ đồng, tăng trên 235,1 tỷ đồng so với đầu năm. Đây là nền tảng để NHCSXH triển khai rộng rãi có hiệu quả 21 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
Trong 20 năm qua, nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh Kiên Giang góp phần giúp cho trên 89 nghìn hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 158 nghìn lao động; hỗ trợ trên 2 nghìn người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 252 nghìn công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ trên 60 nghìn HSSV được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng; xây dựng trên 23 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng trên 100 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển SXKD, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,84% xuống còn 3,58%; giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,78% xuống còn 1,91%.
Từ đầu năm 2023 đến nay, NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã giải ngân cho 12.869 lượt khách hàng vay vốn với doanh số cho vay đạt trên 406,4 tỷ đồng. Tính đến 12/4/2023, tổng dư nợ của chi nhánh đạt trên 4.993 tỷ đồng, với 155.930 khách hàng còn dư nợ. Riêng Nghị quyết số 11/NQ-CP, chi nhánh đã giải ngân được 4.432 khách hàng với số tiền 346,8 tỷ đồng.
Trong chương trình khảo sát thực tế, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng ghi nhận những thành tích mà chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang triển khai trong những năm qua góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn, đặc biệt ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Từ đó, để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội đưa nguồn vốn này trở thành một công cụ hữu hiệu của Đảng, chính phủ trợ giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu, Tổng Giám đốc đề nghị chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang tiếp tục bám sát, tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương về thực hiện các chính sách về bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững để cụ thể hoá vào chương trình, kế hoạch hoạt động của chi nhánh và tham mưu, phối hợp, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Tập trung huy động các nguồn lực, huy động vốn, tăng trưởng nguồn vốn tín dụng chính sách; quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế bền vững đưa tỉnh Kiên Giang “trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, theo hướng bền vững, an ninh, an toàn”.

Bài và ảnh Việt Hải

Các tin bài khác