Thế vươn mình ở một xã bãi ngang

20/05/2013
(VBSP News) Hơn 10 năm trước, xã bãi ngang ven biển Phổ Quang, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) với 1.958 hộ dân sinh sống chủ yếu dựa vào ngư nghiệp được liệt kê nằm trong danh sách xã nghèo khó, xa xôi cách trở nhất vùng duyên hải miền Trung, nhưng từ khi được các chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để phát triển kinh tế biển, đến nay xã Phổ Quang đã vươn mình trở thành điển hình của toàn tỉnh về thu hút việc làm cho lao động địa phương và đạt mức thu nhập cao.
Ngư dân vui vì ruốc được mùa, được giá

Ngư dân vui vì ruốc được mùa, được giá

Theo báo cáo tham luận của bà Phạm Thị Mỹ Ngãi - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang tại Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động của NHCSXH vừa qua thì hiện xã có 721 hộ dân vùng quê này đang sinh hoạt tại 19 Tổ tiết kiệm và vay vốn của các hội, đoàn thể làm công tác uỷ thác vay vốn đầu tư vào sản xuất, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chăm lo việc học hành cho con em. Một trong những hộ ăn nên làm ra từ vốn vay ưu đãi là anh Trần Đức Cần ở thôn Hải Tân có thâm niên trong nghề nuôi tôm. Hiện gia đình anh Cần có 4 ao với diện tích mặt nước hơn 3.000m2 nuôi khoảng 20 - 25 nghìn con tôm sú. Những năm gần đây gia đình anh Cần nuôi tôm biển thắng đậm. Cụ thể, vụ thu hoạch tôm năm 2010 - 2012, anh thu lãi hơn 200 triệu đồng. Theo Phó Chủ tịch xã thì gia đình anh Cần có được như hôm nay là nhờ vốn vay của NHCSXH huyện Đức Phổ đã cho vay 30 triệu đồng để phát triển nghề nuôi tôm. Có vốn trong tay, anh đầu tư thả gần 10 nghìn con giống, sau hơn 1 năm trừ chi phí, trả được vốn ngân hàng, còn lời 45 triệu đồng. Thấy ăn nên làm ra, anh Cần tiếp tục vay vốn NHCSXH mở rộng quy mô nuôi tôm. Từ đó, anh đã thoát nghèo nhanh chóng, làm giàu, đạt danh hiệu thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 3 cấp từ xã đến huyện, tỉnh.

Cùng xã với anh Cần, chị Nguyễn Thị Kiều Diễm ở thôn Bàn An cũng mới được công nhận thoát nghèo sau 5 năm được Nhà nước cho vay vốn đầu tư của chương trình hộ nghèo. Với số tiền 10 triệu đồng vay ưu đãi, chị mua 1 con bò mẹ và dựng chuồng nuôi. Nhờ được chăm sóc chu đáo, mỗi năm con bò sinh sản 1 lứa, cho gia đình chị thu lãi gần chục triệu đồng. Không dừng lại ở đó, năm 2011, gia đình chị vay tiếp vốn ưu đãi của Chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, lập cơ sở xay xát lương thực, để đến nay đã trả hết nợ, nộp lãi đầy đủ đúng kỳ hạn cho ngân hàng và còn vốn để dành phát triển chăn nuôi lợn rừng, nhím theo mô hình kinh tế trang trại.

Hiện ở xã ven biển Phổ Quang, cùng với hộ nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất, thoát nghèo, có được vốn “giắt lưng” và tạo việc làm cho không ít lao động tại chỗ mà còn rất nhiều gia đình vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn vay xây dựng hàng nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, làm cho cảnh quan vùng đất nghèo ven biển thêm xanh, sạch và chăm lo cho con em về thành phố học đại học, cao đẳng. Đơn cử như gia đình anh Huỳnh Nơi, thôn Phần Thất, trong lúc gặp hoàn cảnh túng thiếu, nhưng nhờ Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, anh đã được vay hơn 20 triệu đồng để trang trải tiền học phí và sinh hoạt cho 2 cậu con trai theo học trường Đại học Nha Trang và Cao đẳng Điện lực miền Trung.

Được biết, năm 2012, NHCSXH huyện Đức Phổ đã thực hiện 7 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ hơn 13 tỷ đồng giúp người dân vùng bãi ngang ven biển Phổ Quang chủ động phát triển sản xuất, thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác