Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam, Ủy viên HĐQT NHCSXH; Dương Quyết Thắng - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH; Nguyễn Văn Thi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa; Lãnh đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa; Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp tỉnh; thành viên Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh; lãnh đạo NHCSXH cấp huyện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, hoạt động tín dụng chính sách xã hội triển khai qua NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; được đánh giá là điểm sáng trong hệ thống chính sách giảm nghèo, là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Trong các chính sách, chương trình hỗ trợ hồi phục kinh tế tới đây, NHCSXH cũng sẽ phải tham gia nhiều hoạt động hết sức quan trọng.
Tại buổi làm việc, Thống đốc đã dành thời gian lắng nghe ý kiến của các Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố; Tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác cấp tỉnh; Thành viên Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh; Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện. Các đại biểu không chỉ nêu lên những kết quả, thành tựu đạt được, những bài học kinh nghiệm mà còn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, thách thức, đồng thời đề ra những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của NHCSXH.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng một lần nữa khẳng định tính ưu việt, sáng tạo của mô hình NHCSXH. Đây là một mô hình rất đặc thù, đặc biệt, riêng có của Việt Nam và đã phát huy được vai trò rất quan trọng và hiệu quả đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là mục tiêu giảm nghèo, điển hình là tại tỉnh Thanh Hóa.
Từ thực tiễn và kết quả triển khai các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương, tín dụng chính sách mà nòng cốt là các hoạt động cho vay vốn tại NHCSXH là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn, là trụ cột quan trọng trong chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hạn chế tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương trong tỉnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Kết luận tại buổi làm việc, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao những kết quả đã đạt được của hoạt động tín dụng chính sách tại Thanh Hóa. Theo đó, tổng nguồn vốn tín dụng của chi nhánh NHCSXH tỉnh đến 31.3.2022 đạt 11.182 tỷ đồng, tăng 350 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang chi nhánh đạt 406 tỷ đồng, tăng 54,6 tỷ đồng so với đầu năm (chiếm 3,6% tổng nguồn vốn). Tổng dư nợ các chương trình tín dụng của chi nhánh đứng thứ 2 toàn quốc về quy mô (đạt 11.135 tỷ đồng, tăng 3,1%) với khoảng 245 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ, chiếm khoảng 24,5% tổng số hộ dân trong tỉnh.
Trong đó, một số chương trình tín dụng có kết quả dư nợ nổi bật như: Cho vay hộ nghèo đạt 1.091 nghìn tỷ đồng, với trên 22 nghìn hộ nghèo còn dư nợ; cho vay hộ cận nghèo đạt 3.037 nghìn tỷ đồng, với trên 55 nghìn khách hàng còn dư nợ; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 2.243,9 nghìn tỷ đồng, với trên 40 nghìn khách hàng còn dư nợ; Cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đạt 6,2 tỷ đồng, với 10 khách hàng còn dư nợ.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại tỉnh Thanh Hóa được triển khai thông qua 559 Điểm giao dịch xã, với 6.660 Tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN, HĐQT NHCSXH, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trân trọng cảm ơn lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt cho chi nhánh NHCSXH tỉnh trong suốt quá trình hoạt động. Đồng thời, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tích của chi nhánh trong triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần to lớn vào thành công chung của tín dụng chính sách trên phạm vi cả nước.
Để tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được, phát huy hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, cùng với việc bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đề nghị Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả hơn nữa các Chỉ thị, Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ về tín dụng chính sách; đồng thời tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tiếp tục dành sự quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, nhân lực, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH tại địa phương; ưu tiên, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đồng chí Thống đốc NHNN cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tổ chức điều tra, rà soát, bổ sung và xác nhận đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách, kịp thời làm cơ sở để chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện cho vay; đặc biệt là rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; chủ động nghiên cứu các văn bản hướng dẫn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai kịp thời có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2 năm giai đoạn 2022 - 2023 ngay sau khi có các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, kịp thời chuyển tải vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Việt Hải - Minh Hằng
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Trợ công chủ lực cho Hà Nam phát triển nông thôn mới
- » Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đối tượng 3 theo Quy định 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị
- » Hội nghị trực tuyến Ban Chấp hành Công đoàn NHCSXH lần thứ 9, khóa IV
- » NHCSXH chúc mừng Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
- » Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII thành công tốt đẹp
- » Bà Hà Thị Nga tái đắc cử Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khoá XIII
- » Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII
- » Hội đồng quản trị NHCSXH họp phiên thường kỳ quý IV-2021
- » Đảng bộ NHCSXHTW tổ chức Hội nghị “Nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận, Quy định của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”