Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp của phụ nữ trẻ
Mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế, nhưng tại xưởng may của chị Nguyễn Thị Phượng, công nhân vẫn đang mải miết may, cắt. Bình quân mỗi năm, xưởng may của chị Phượng sản xuất 84 nghìn bộ quần áo trẻ em theo đơn đặt hàng của các cửa hàng quần áo trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi.
Nhờ đó, chị Nguyễn Thị Phượng có thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/tháng; đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 thợ làm tại xưởng và thợ nhận hàng về làm ở nhà, trả lương theo sản phẩm, với mức lương ổn định từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng đối với mỗi người.
Chị Phượng vốn là một công nhân may ở TP HCM. Nắm bắt nhu cầu việc làm của chị em ở vùng nông thôn, muốn có thu nhập nhưng vẫn có thời gian để chăm lo cho gia đình, chị Phượng bàn với chồng rời TP HCM về quê mở xưởng may quần áo trẻ em tại thôn Đại An Đông 2, xã Hành Thuận cách đây 8 năm.
Lúc mới thành lập, xưởng may đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Số lượng công nhân ít ỏi, chỉ với 5 người, lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng máy may. Các sản phẩm cơ bản đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của thị trường tiêu dùng…
Chị Phượng chia sẻ: “Việc gì mình cũng chịu khó học hỏi, cố gắng vượt qua khó khăn, đi tham khảo kinh nghiệm, kỹ thuật ở các cơ sở đi trước, từ đó về hướng dẫn tỉ mỉ cho từng chị em trong xưởng, nhờ đó việc SXKD đi vào ổn định, khẳng định được uy tín của các sản phẩm, đơn đặt hàng ngày càng nhiều, số lượng lớn”.
Chị Võ Thị Kim Loan ở thôn Đại An Đông 2, xã Hành Thuận đã may cho xưởng của chị Phượng 4 năm rồi, công việc rất ổn định, bình quân mỗi tháng nhận được 5 triệu đồng. “Từ ngày có xưởng may này tôi không phải đi làm công nhân ở xa, may gần nhà, vừa lo được cho con cái học hành, nuôi thêm được con bò con heo nên kinh tế gia đình ổn định. Tôi sẽ gắn bó lâu dài với xưởng may của chị Phượng trong thời gian tới”, chị Loan tâm sự.
Chị Phượng luôn mong muốn xưởng may sẽ ngày càng được mở rộng, phát triển để tạo thêm nhiều việc làm cho chị em trong xã, giúp chị em có thêm thu nhập, vừa có thời gian chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành.
Nắm bắt được nguyện vọng của chị, năm 2021, chị Phượng tiếp tục được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nghĩa Hành cho vay 70 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Có nguồn vốn này, chị Phượng sẽ chuyển xưởng may ra mặt bằng rộng hơn, sắm thêm máy móc để mở rộng sản xuất, không chỉ may theo mẫu mã đặt hàng của khách mà hướng đến việc tự thiết kế sản phẩm mang thương hiệu riêng.
Được biết, ngoài chị Phượng, trong thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hành cũng đã đồng hành, hỗ trợ 60 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở nhiều lĩnh vực. Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hành Nguyễn Thị Kiều Hoanh cho biết: “Trong thời gian qua, từ nguồn vốn vay của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nghĩa Hành, hội viên phụ nữ được tiếp cận với nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh giảm nghèo bền vững; qua đó giải quyết cho 3.579 hộ vay, số tiền trên 143 tỉ đồng”.
Những tín hiệu vui mà hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện Nghĩa Hành có được trên hành trình khởi nghiệp chính là động lực to lớn, thôi thúc các cấp Hội Phụ nữ trong huyện nỗ lực nhiều hơn để tiếp tục “nâng bước” chị em. Từ đây, hội viên, phụ nữ thêm vững tâm, cho ra đời nhiều ý tưởng sáng tạo, mạnh dạn đưa vào thực tiễn và vươn đến thành công.
Bài và ảnh Như Đồng
Các tin bài khác
- » Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ trong đại dịch COVID-19
- » Nguồn vốn chính sách giúp hộ nghèo phát triển kinh tế
- » Nguồn vốn chính sách chung sức xây dựng nông thôn mới
- » Hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm
- » Tiếp sức cho nông dân Minh Hoá vươn lên làm giàu
- » Chuyển tải kịp thời nguồn vốn chính sách trong mùa dịch
- » Điểm tựa cho phụ nữ nông thôn trong đại dịch
- » Nắm chắc địa bàn, giúp dân vay vốn thuận lợi
- » "An cư lạc nghiệp" từ nguồn vốn chính sách
- » Đồng hành tiếp sức HSSV nghèo đến trường