Vùng cao Than Uyên khởi sắc

20/12/2016
(VBSP News) Trong nhiều năm qua, NHCSXH huyện Than Uyên (Lai Châu) luôn phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ trong thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng. Trong đó, với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã giúp hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn thêm cơ hội để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo...
Hộ nghèo ở Than Uyên sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế hộ gia đình

Hộ nghèo ở Than Uyên sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế hộ gia đình

Là huyện cửa ngõ của tỉnh, huyện Than Uyên có lợi thế khi nằm trên tuyến Quốc lộ 32 có thể phát triển giao thương, du lịch, ngoài ra với diện tích lòng hồ thủy điện là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy nội địa, nuôi trồng thủy sản, thủy cầm và du lịch sinh thái. Than Uyên cũng có diện tích đất nông nghiệp lớn là tiềm năng để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế rừng, chăn nuôi đại gia súc. Một số cánh đồng diện tích lớn và tập trung thuận lợi phát triển lúa hàng hóa đặc sản có giá trị kinh tế cao, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Về đội ngũ cán bộ, tỷ lệ cán bộ huyện có trình độ đại học và trên đại học khá cao - đây cũng là điều kiện để huyện triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội.

“Lợi thế là thế, nhưng phải nhìn nhận lại thì khó khăn vẫn còn như nằm ở vị trí cách xa trung tâm kinh tế sẽ hạn chế trong thu hút nguồn nhân lực trình độ cao; mùa mưa kéo dài liên tục, nguồn nước mặt có sự chênh lệch giữa mùa mưa và mùa khô gây khó trong kiểm soát kế hoạch trồng trọt, chăm sóc, điều tiết nước trong sản xuất nông nghiệp. Địa bàn rộng và nơi ở của các hộ nghèo phân tán; ý thức lao động, bảo vệ rừng cũng như ý chí vươn lên thoát nghèo của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc còn hạn chế…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, Trần Quang Chiến nhấn mạnh.

Khi đã phân tích những mặt mạnh cũng như những hạn chế, cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững giai đoạn 2013 - 2020, huyện Than Uyên đã tổ chức quán triệt Nghị quyết 30a đến các cơ quan, đơn vị, các xã và nhân dân. Chỉ đạo các xã phổ biển chủ trương, chính sách của Nhà nước đến các thôn, bản, người dân trên địa bàn; tổ chức lấy ý kiến để người dân chủ động tham gia trong suốt quá trình thực hiện, xác định nhu cầu của người dân từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch năm. Hàng năm, UBND huyện có kế hoạch để điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo để giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các xã, thị trấn trong huyện.

Huyện cũng thực hiện đồng bộ các biện pháp hỗ trợ hộ nghèo thiếu đất sản xuất; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tốc độ phát triển khu vực phi nông nghiệp, lực chọn cây giống, vật nuôi phù hợp và hiệu quả; tích cực thâm canh tăng năng suất, nâng cao giá trị thu nhập để giảm bớt khó khăn, giúp các hộ nghèo từng bước thoát nghèo. Cùng với đó là thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trợ giúp người nghèo; tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Lồng ghép thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ giảm nghèo, các chính sách giảm nghèo đặc thù với từng chương trình, dự án thuộc chương trình ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và thực hiện đồng bộ các dự án, chính sách trên địa bàn các xã khó khăn đang phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới.

Giám đốc NHCSXH huyện Than Uyên cho biết: Với vai trò là cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với người nghèo, đơn vị luôn bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Để nguồn vốn ưu đãi đến được với người dân kịp thời, đúng đối tượng, đơn vị đã thực hiện ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị, xã hội. Thông qua đó, các hộ nghèo không chỉ được tiếp cận vốn vay ưu đãi kịp thời mà còn thêm cơ hội trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế và cách sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả. Tính riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, đã có 8.888 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện được vay vốn với tổng số tiền trên 200 tỷ đồng từ các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, giải quyết việc làm… Có vốn, các hộ đã đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cả, phát triển mô hình VAC tổng hợp, trồng rừng và buôn bán dịch vụ. Quá trình các hộ vay vốn, đơn vị còn phối hợp với các cơ quan chuyên ngành khác hướng dẫn bà con sử dụng đồng vốn hiệu quả và kiểm tra, giám sát chặt chẽ hộ dân sử dụng đồng vốn đó.

Là một trong những hộ thuộc diện khó khăn của thôn Sen Đông, xã Mường Then, huyện Than Uyên nhưng chị Kiều Thị Mơ không ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà đã nêu cao ý thức khắc phục mọi khó khăn để vươn lên.

Năm 2008, với số vốn vay 15 triệu đồng hộ nghèo của NHCSXH huyện, chị thống nhất với chồng đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi lợn. Ban đầu, chị mua vài con lợn nái về nuôi. Trong quá trình chăn nuôi, chị đã áp dụng cách chăm sóc, tiêm phòng bệnh định kỳ cho lợn theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên chỉ 11 tháng sau đã xuất chuồng được 2 lứa lợn giống.

Từ hiệu quả kinh tế do mô hình chăn nuôi mang lại, gia đình chị Mơ tiếp tục mở rộng chuồng trại, tăng số lượng đàn lợn nuôi để đến nay trong chuồng nhà chị có 4 con lợn nái, trung bình mỗi năm đẻ 60 - 70 lợn con, giúp gia đình chủ động được nguồn lợn giống dịp Tết vừa qua, xuất bán ra thị trường hơn 4 tấn lợn thịt.

Từ chăn nuôi lợn, kinh tế gia đình chị ngày càng khá giả, vừa trả hết nợ nần, vừa tích luỹ. Đầu tư trồng 8 sào chuối xuất khẩu, sắm máy xay xát lương thực phục vụ bà con trong vùng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, Trần Quang Chiến phấn khởi cho biết giai đoạn 2011 - 2015 toàn huyện đã giảm được 3.194 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 6%/năm. Đó là những kết quả minh chứng cho sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ kịp thời của đồng vốn chính sách và hơn hết là những cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong huyện trên cả một chặng đường.

Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo toàn huyện xuống 12,5% vào năm 2017, NHCSXH huyện Than Uyên tiếp tục tập trung cho vay quay vòng, không để tồn đọng vốn, đồng thời đề xuất với ngân hàng cấp trên tăng nguồn vốn để có thể nâng mức đầu tư giúp đồng bào dân tộc thêm cơ hội phát triển sản xuất, thoát nghèo, tiến tới làm giàu chính đáng.

Bài và ảnh Đức Nghiêm

Một bình luận cho bài viết "Vùng cao Than Uyên khởi sắc"

  1. lê văn phúi Góp ý:

    e muốn vay vốn thêm để nuôi trồng thủy sản nhưng e đang vay gói 50triệu nếu e chuyển khoản đi thì có vay thêm được không . e thuộc hộ cận nghèo

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác