Vốn ngân hàng làm “bệ đỡ” cho Hợp tác xã

11/10/2019
(VBSP News) Nhờ vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều phụ nữ nghèo và đối tượng chính sách ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã mạnh dạn đi đầu cùng nhau liên kết sản xuất hình thành Hợp tác xã (HTX) Tuấn Tú vào tháng 6/2016.
Nhiều hộ dân tại Ninh Thuận vay vốn NHCSXH mở rộng diện tích trồng nho, mang lại giá trị kinh tế cao

Nhiều hộ dân tại Ninh Thuận vay vốn NHCSXH mở rộng diện tích trồng nho, mang lại giá trị kinh tế cao

Với mức vốn góp 3 triệu đồng/thành viên, từ 13 thành viên ban đầu, đến nay HTX đã phát triển lên 63 thành viên và tất cả đều là khách hàng vay vốn của NHCSXH. Cùng nhau liên kết sản xuất, họ đã chuyển đổi 20ha rau xanh sang trồng măng tây công nghệ cao, cho năng suất cao gấp 1,5 lần so với hình thức canh tác truyền thống trước đây.

Chị Châu Thị Ân - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cũng là người vay và thành viên của HTX nhớ lại, trước đây chị phải mất gần chục năm từ 2008 đến cuối 2016 để vay vốn chăn nuôi thoát nghèo. Song chỉ với việc chuyển đổi trồng măng tây từ năm 2017, 3 sào măng tây cho một năm 8 tháng thu hoạch với lãi ròng bình quân 1 triệu đồng/ngày, đời sống gia đình chị đã cải thiện nhanh chóng chỉ trong 2 năm trở lại đây. Nhờ măng tây mà riêng năm 2018, toàn thôn có 20 hộ thoát nghèo.

Cũng tìm tới ngân hàng trong tâm thế “cực chẳng đã”, song các thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (Vĩnh Phúc) đã có một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Nhớ lại những ngày đầu thành lập, bà Lê Thị Hương - Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý cho biết, thời điểm đó lao động trẻ tại địa phương kéo nhau vào khu công nghiệp tìm việc bởi thu nhập cao hơn, chỉ còn lại những người ở lứa tuổi 45 - 50 không có ai nhận thì ở lại bám lấy ruộng đồng để sản xuất.

Tuy nhiên, nhận thấy sức người có hạn, các thành viên đã vay ngân hàng để góp vốn rồi mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hình thức cơ giới hoá khép kín, gieo mạ bằng máy. Đến mùa tiếp theo tiếp tục vay vốn ngân hàng đầu tư mua máy cấy, máy phay đất, máy gieo mạ khay, máy gieo hạt… để mở rộng sản xuất. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, từ năm 2006 đến nay nhiều hộ đã huy động vốn tự có hoặc tiếp tục vay ngân hàng để góp vốn cùng làm.

Những ghi nhận từ thực tế cho thấy, dù số lượng HTX tiếp cận được vốn ngân hàng theo số liệu thống kê còn rất hạn chế, song nguồn tín dụng này đã sớm len lỏi vào nhiều HTX từ khi còn trong quá trình thai nghén, để rồi nuôi lớn và hình thành hàng trăm mô hình hoạt động hiệu quả.

Đây chỉ là 1 trong 3 nguồn vốn chính cho phát triển HTX. Theo ước tính, hiện chưa đến 20% các HTX có khả năng tự lực vốn. Nguồn vốn mà các HTX trông đợi nhất từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX lại chưa thể khơi thông. Mặc dù Luật Hợp tác xã được ban hành từ năm 2012, song cho đến thời điểm hiện nay kinh phí hỗ trợ riêng từ ngân sách cho mô hình này vẫn chưa có.

Phải đến tận tháng 8/2017, Chính phủ mới ban hành Quyết định số 23 thay thế Quyết định 246 năm 2006 về thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn khiến quá trình triển khai hỗ trợ vốn trên thực tế còn rất chậm, làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của quỹ. Hiện nay nguồn lực ngân sách cho phát triển HTX mới chỉ được lồng ghép trong nguồn kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, hoặc kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tính đến cuối năm 2018, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương mới đạt 400 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, nếu không có những nguồn vốn kịp thời, chắc chắn tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả khó có thể đạt tới con số 57% như thống kê mới đây của Liên minh HTX. Bên cạnh đó, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2012 tiếp tục chậm trễ, kéo dài cũng gây nên những khó khăn khác cho hoạt động của HTX, chẳng hạn giải quyết nợ đọng, cơ chế tiếp cận đất đai…

Những nút thắt này cũng đang là rào cản khiến các HTX, đặt biệt là HTX nông nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng sản xuất, bởi mục tiêu sản xuất, năng lực của các mô hình còn chưa rõ ràng, chưa có phương án kinh doanh hiệu quả. Ngoài ra, lĩnh vực hoạt động của HTX không thể thu hồi vốn nhanh như các lĩnh vực khác, khiến ngân hàng không thể bất chấp các yếu tố rủi ro để cho vay.

Những khó khăn nội tại đeo đẳng trong suốt nhiều năm qua đang khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho sản xuất đã khó càng thêm khó. Vì vậy, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trước mắt cần khẩn trương hoàn thiện việc ban hành những văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã còn nợ đọng để luật đi vào cuộc sống. Đồng thời cũng cần có các chính sách để nâng cao năng lực của các HTX, đảm bảo cho nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả.

Ngọc Khanh

Các tin bài khác