Phú Yên là một tỉnh thuần nông với hơn 80% dân số sống ở nông thôn và trên 70% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua 2010 - 2015, đã huy động trên 22.486 tỷ đồng để đầu tư cho vùng nông thôn, trong đó vốn tín dụng cho vay để phát triển sản xuất khoảng 13.400 tỷ đồng. Trong số này có phần đóng góp đáng kể của nguồn vốn chính sách của Chính phủ được NHCSXH tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện.
Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Phú Yên đạt trên 1.986 tỷ đồng, phân bổ ở các chương trình cho vay hộ cận nghèo trên 547 tỷ đồng, HSSV 447 tỷ đồng, hộ nghèo 324 tỷ đồng, NS&VSMTNT 272 tỷ đồng, hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn 252 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm 72 tỷ đồng… Từ đầu năm 2015 đến nay, vốn chính sách đã giúp hơn 29.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn SXKD, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, xây dựng được 15.200 công trình nước sạch và công trình vệ sinh, hơn 250 hộ nghèo được vay vốn xây nhà phòng tránh bão, lụt, gần 4.000 hộ sống ở vùng khó khăn có điều kiện SXKD… nhờ đó góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Phú Yên đã có 11 xã được công nhận xã nông thôn mới gồm: Bình Kiến (TP. Tuy Hòa); Hòa Tân Đông, Hòa Thành (huyện Đông Hòa); Hòa Trị, Hòa Quang Nam, Hòa An (huyện Phú Hòa); Hòa Tân Tây, Hòa Phong, Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa); Sơn Giang, Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh). Đến năm 2020, Phú Yên phấn đấu có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có khoảng 3 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; 19 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí về nông thôn mới. Để hoàn thành mục tiêu này, không thể không nhờ vào nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH.
Phóng sự ảnh của LÊ HẢO vừa thực hiện tại Phú Yên sẽ phản ánh phần nào người dân sử dụng hiệu quả đồng vốn vay.