Về nơi tín dụng chính sách ấm tình người

16/01/2022
(VBSP News) Chúng tôi trở lại mảnh đất di sản văn hóa ca trù và quan họ Bắc Giang giữa những vạt nắng cuối đông xen chút nồng ẩm mong manh của mùa xuân đang len lỏi giữa đất trời. Hai năm bị tác động bởi dịch COVID-19, lại từng là tâm dịch của cả nước, là địa phương đầu tiên có dịch xâm nhập vào khu công nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân Bắc Giang bị ảnh hưởng nặng nề. Câu chuyện của tín dụng chính sách xã hội cũng vì thế lại càng trở lên bức thiết, để cùng với chính quyền thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, góp phần vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt trong từng hoạt động của chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang trong năm 2021 để rồi một năm nhìn lại chữ tình càng đậm thêm trong từng đồng vốn chính sách.
1

Nhân dịp Tết đến Xuân về, Đoàn công tác NHCSXH do Bí thư Đảng ủy NHCSXHTW, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm Trưởng đoàn đã đến Thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình có công với Cách mạng, gia đình chính sách và hộ nghèo

Không để ai bị bỏ lại phía sau vì COVID-19

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang Hà Quốc Quân cho biết, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên diện rộng đã khiến từ tháng 5 đến tháng 11.2021 hoạt động giao dịch tín dụng tại 179 xã tạm dừng, song ngay trong bối cảnh dịch bệnh đó, chi nhánh đã chủ động lên phương án hoạt động sau dịch, chính vì vậy, sau khi hết giãn cách xã hội chi nhánh đã  tổ chức giao dịch bù 103 xã, góp phần đưa nguồn vốn kịp thời đến người nghèo và đối tượng chính sách hỗ trợ người dân khôi phục, mở rộng, tạo việc làm và phát triển SXKD, cải thiện đời sống, hướng tới giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế.

2

Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tặng quà cho các gia đình có công với Cách mạng, gia đình chính sách và hộ nghèo tại xã Lam Cốt, huyện Tân Yên

Đặc biệt trong bối cảnh dịch tác động lớn đến an sinh xã hội địa phương với nguy cơ tái nghèo tăng, tốc độ giảm nghèo chậm lại, chi nhánh NHCSXH tỉnh cùng các đơn vị các huyện đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, trong đó quan tâm chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tỉnh, huyện. Kết quả là nguồn vốn địa phương đạt 173,2 tỷ đồng, tăng 33,2 tỷ đồng so với năm 2020, hoàn thành 132,9% kế hoạch giao. Đặc biệt là tham mưu cho tỉnh ban hành Quyết định số 1334/QĐ-UBND ngày 30.11.2021 về việc phê duyệt giảm 10% lãi suất cho vay chương trình tín dụng hộ nghèo và chương trình giải quyết việc làm thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Chi nhánh cũng đã nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đồng thời áp dụng biện pháp gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 2.324 lượt khách hàng vay với số tiền là 72,8 tỷ đồng; cho vay mới 21.537 lượt khách hàng vay, số tiền 930 tỷ đồng. Thực hiện chính sách giảm lãi cho khách hàng vay vốn tại các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH theo quy định (giảm 10% lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách từ ngày 01.10.2021 đến hết ngày 31.12.2021), tương đương với khoảng 9,7 tỷ đồng số tiền lãi được giảm.

Trên một địa bàn có nhiều Khu công nghiệp lớn, trong đó, nhiều nơi bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm, ngay khi Nghị quyết số 68/NQ-CP có hiệu lực, chi nhánh đã nhanh chóng tham mưu cho tỉnh đồng thời phối hợp với các Sở, ngành và Hiệp hội rà soát các doanh nghiệp khó khăn, có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, từ đó cử cán bộ xuống trực tiếp hỗ trợ doang nghiệp hoàn thiện thủ tục vay vốn. Đến 31.12.2021, đã giải ngân cho 86 người sử dụng lao động vay vốn (với 220 lượt người sử dụng lao động) để trả lương cho 112.523 lượt người lao động với số tiền gần 383 tỷ đồng, trong đó có 16 người sử dụng lao động có vốn đầu tư nước ngoài vay vốn để trả lương cho 41.075 lượt người lao động với số tiền gần 141 tỷ đồng. 

Những chính sách hỗ trợ này nhanh chóng đi vào cuộc sống có ý nghĩa lớn động viên người nghèo và đối tượng chính sách vượt khó vươn lên khôi phục và phát triển kinh tế, cũng như tạo thêm nhiều việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến nhiều người mất hoặc gián đoạn việc làm và sinh kế.

3

Năng động phát triển kinh tế bền vững

Giám đốc chi nhánh Hà Quốc Quân cho biêt trên một địa bàn “địa lợi” cho việc phát triển nông nghiệp công nghiệp và dịch vụ, nhu cầu vay vốn thoát nghèo và phát triển kinh tế của địa phương cao, ngay từ đầu năm, chi nhánh đã tập trung nâng cao hiệu quả công tác huy động vốn tại địa phương. “Ngày hội gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” triển khai rộng khắp tại các huyện thị đã góp phần tăng thêm nguồn vốn 59,8 tỷ đồng. Kết quả tính đến 31.12.2021, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 1.087 tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2020, hoàn thành 124% kế hoạch giao.

Tổng nguồn vốn thực hiện của chi nhánh đến 31.12.2021 của chi nhánh đạt 5.416 tỷ đồng, tăng 782 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 16,8% so với năm 2020. Đây cũng là tiền đề để chi nhánh mở rộng độ phủ tín dụng trên địa bàn tỉnh, không để người nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện không được tiếp cận vốn. Kết quả là tín dụng tăng trưởng cao với doanh số cho vay đạt 1.904 tỷ đồng đưa tổng dư nợ đạt 5.404 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2020 với 107.187 hộ còn dư nợ, bình quân 50,4 triệu đồng/1 hộ, hoàn thành 100% kế hoạch giao. Trong đó, cho vay người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đạt dư nợ đạt 381 tỷ đồng và có 01 doanh nghiệp đã trả toàn bộ số nợ được vay. 

Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp hơn 30,9 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó có hơn 10 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận vốn, tạo việc làm cho hơn 3 nghìn lao động từ vốn giải quyết việc làm; xây dựng trên 25 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường; hơn 4 nghìn hộ vay vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hỗ trợ cho 144 người có thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, xây mới, cho vay 86 người sử dụng lao động để trả lương cho 51.025 người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19… góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

4

Các gia đình có công với Cách mạng, gia đình chính sách và hộ nghèo ở xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng nhận quà Tết từ Công đoàn NHCSXH

Không chỉ nhiệt tâm mang dòng vốn tín dụng chính sách xã hội nhân văn trải khắp các bản làng vun đắp từng ước vọng thoát nghèo, phát triển kinh tế của người nghèo và đối tượng chính sách, các cán bộ, nhân viên chi nhánh còn trao gửi tình yêu và trách nhiệm với cộng đồng qua các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn với tổng số tiền 824 triệu đồng như tăng quà tết cho hộ nghèo và các gia đình chính sách, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăn ấm cho em, Cặp lá yêu thương, Máy tính cho em… Công đoàn cơ sở chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã trích quỹ phúc lợi, quỹ xã hội với số tiền 577,2 triệu đồng hỗ trợ địa phương phòng chống dịch COVID-19 và ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống COVID-19. Bên cạnh đó còn kêu gọi các chi nhánh trong hệ thống ủng hộ địa phương công tác phòng chống dịch các cấp với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Trong năm 2021, Công đoàn cơ sở chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã kết nối cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn với số lượng 65.000kg cũng là một hành động hỗ trợ thiết thực và trực tiếp cho nhiều hộ nông dân tiếp tục có niềm tin với việc phát triển kinh tế.

Những nỗ lực của từng cán bộ chi nhánh trong công tác tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ hộ nghèo của tỉnh giảm 0,77% so với năm 2020 về 2,37% cuối năm 2012, tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,03%, giảm 0,95% so với năm 2020, đã có 6 huyện về đích nông thôn mới, hết năm 2021 có 138/184 xã về đích nông mới). 

Đây là nền tảng để chi nhánh tiếp bước trên chặng đường mới năm 2022 với nhiều thách thức và cơ hội đan xen đặc biệt là khó khăn từ dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Để tiếp tục trở thành động năng hỗ trợ người dân địa phương thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững, chi nhánh đã đặt mục tiêu cụ thể cho năm 2022 trong đó tăng trưởng tín dụng tiếp tục phấn đấu đạt 7%-10% (không tính cho vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP), nợ quá hạn duy trì ở dưới mức 0,05%, huy động tiền gửi qua tổ chức, dân cư đạt 100% kế hoạch giao, tỷ lệ giao dịch xã đạt trên 95%, có từ 96% Tổ tiết kiệm và vay vốn trở lên xếp loại tốt, thu lãi đạt 100% kế hoạch giao. 

Bên cạnh việc tranh thủ nguồn vốn Trung ương, tiếp tục tham mưu cho tỉnh ủy và các cấp chính quyền triển khai hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, tăng cường vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH để giảm nghèo và giải quyết việc làm đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế bền vững của tỉnh, chi nhánh sẽ tiếp tục bám sát chỉ tiêu kế hoạch tín dụng giao, các đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị nhận ủy thác rà soát các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng nguồn vốn mới, thu hồi để giải ngân kịp thời đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, không để tồn đọng vốn, hoàn thành 100% kế hoạch, tiếp tục xây dựng các giải pháp huy động tiền gửi qua tổ chức, cá nhân trên địa bàn để tạo nguồn vốn cho NHCSXH. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, góp phần hỗ trợ các người dân và doanh nghiệp trong tỉnh phục hồi sản xuất, phát triển trong giai đoạn bình thường mới.

 5

Nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần 2022, Công đoàn NHCSXH đã trở lại Bắc Giang trong chương trình từ thiện thường niên. Tại đây, NHCSXH trao quà cho 648 hộ nghèo và người có công tại 3 huyện Lục Ngạn, Yên Dũng và Tân Yên.

Bài và ảnh Thái Hòa

Các tin bài khác