Ước vọng ở Hành Thiện

31/12/2013
(VBSP News) Chưa năm nào lũ lên nhanh đến thế, đến người chạy còn chưa kịp, huống hồ là tài sản. May nhờ có căn gác mới xây, cả gia đình, rồi bà con làng xóm, cả gà heo... cùng lên trú tránh, chờ lũ rút và chính quyền đến cứu trợ - ông già Phạm Vàng kể lại cho chúng tôi nghe về trận lũ lịch sử mới tràn qua nơi đây...
Căn gác tránh lũ của nhà chị Hiệp đã bảo toàn được người và tài sản của nhà chị qua cơn lũ lịch sử

Căn gác tránh lũ của nhà chị Hiệp đã bảo toàn được người và tài sản của nhà chị
qua cơn lũ lịch sử

Căn gác riêng thành chỗ tránh chung

Căn nhà của gia đình anh Lê Quang Huy, chị Nguyễn Thị Hiệp ở thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) dựng bên bờ con suối hiền hòa chảy ra sông Vệ. Ấy mà trong đợt lũ trung tuần tháng 11 vừa rồi, con suối ấy chở dòng nước ào ào vùn vụt kéo sập chuồng bò nhà chị rồi đưa nước dâng lên ngập nhà, ngập cửa. Cả nhà 7 - 8 người đưa hết của nả ít ỏi của một hộ gia đình vừa thoát từ nghèo sang diện cận nghèo còn bộn bề khó khăn lên căn gác phía trên, nước chạy đuổi theo gót chân đến mấp mé bậc cầu thang trên cùng.

“Nước xối xả cả buổi rồi mới rút dần. May nhờ căn gác mới xây mà cả người, cả của còn trọn vẹn” - chị Hiệp chỉ vào vết nước còn chưa phai trên bức tường mới, nói với tôi. Căn gác này, gia đình chị được hỗ trợ xây dựng trong chương trình thí điểm xây chòi tránh lũ cho các tỉnh miền Trung theo Quyết định 716/2012/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung(gọi tắt là Chương trình 716), với 10 triệu đồng được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, 6 triệu đồng từ Mặt trận Tổ quốc và 10 triệu đồng vốn vay từ NHCSXH. Gia đình cùng gom góp, vay mượn thêm anh em, họ hàng xây căn gác kiên cố hơn, rộng hơn, vừa để tránh lũ, vừa có thêm diện tích sinh hoạt. Bắt đầu làm từ tháng 10/2012, tới tháng 01/2013 hoàn thành, và căn gác này thể hiện công năng rõ ràng của nó ngay trong mùa lũ đầu tiên, trong đó có đợt lũ lịch sử trung tuần tháng 11 vừa rồi.

Ông Bùi Văn Theo - Trưởng thôn Mễ Sơn cho hay, thôn có 11 hộ được tham gia thí điểm xây chòi tránh lũ, là thôn có nhiều hộ tham gia nhất xã, vì đây cũng là vùng thấp, rất dễ bị ngập sâu. Cách đó không xa, ở thôn Ngọc Dạ, ông Phạm Vàng chỉ cho chúng tôi căn gác mới xây giờ thành một phần diện tích sinh hoạt quan trọng của gia đình, nơi cách đây ít ngày là chỗ trú tránh của người, heo, gà của cả nhà ông và các gia đình quanh đấy.

Kết hợp xóa nhà tạm và xây chòi tránh lũ

Ông Mai Duy Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hành Thiện tiếp chúng tôi trên phòng làm việc ở tầng 2 khu nhà ủy ban, nơi trong cơn lũ lịch sử vừa là trung tâm điều phối cứu trợ cứu nạn, nơi tránh lũ của người dân và nơi cất giữ tài sản, heo, bò, lợn gà của nhiều nhà xung quanh. Xã có 1.743 hộ thì 1.660 hộ bị ngập, thiệt hại tới hơn 25 tỷ đồng.

Hành Thiện là một trong hai xã được chọn thí điểm xây chòi tránh lũ theo Chương trình 716, vì xã có 7 thôn thì 6 thôn chạy dọc sông Vệ. Vì thế, các gia đình đón nhận chương trình này rất hào hứng, nhưng cũng không ít hộ tỏ ra băn khoăn vì trong 30 triệu đồng dự toán xây mỗi căn chòi ấy hộ dân phải góp thêm 4 triệu đồng, mà không phải hộ dân nào cũng có và thực tế có hộ dân đã phải ngậm ngùi xin rút ra khỏi chương trình.

Thực tế qua trận lũ lịch sử trung tuần tháng 11 vừa rồi, cho thấy hiệu quả của các căn chòi tránh lũ rất rõ ràng. Lũ năm nay cao hơn đỉnh lũ năm 1999 đến 50cm, nhưng không căn chòi nào bị ngập. Không chỉ có hộ nghèo tránh được lũ, mà các căn chòi đó cũng là chỗ trú tránh của bà con xóm giềng.

“Xã toàn nhà cấp 4, mọi khi có lũ các hộ dân phải tránh lên trường học, ủy ban hay cầu Cộng Hòa bắc qua sông Vệ, nên khi 47 hộ có nhà tránh lũ, các hộ xung quanh có thêm chỗ trú tránh - ông Mai Duy Tuấn nói - Chúng tôi mong năm tới, khi triển khai rộng rãi, Chính phủ cho phép có hộ cận nghèo cũng được hưởng chính sách này”.

Tính toán sơ bộ, Hành Thiện còn khoảng 170 hộ có nhu cầu xây chòi tránh lũ. Nhưng thiết kế chòi hiện nay mới phù hợp với các hộ lẻ, vì thế từ những trải nghiệm thực tế tại địa phương, ông Tuấn cho rằng, nếu kết hợp hài hòa giữa chính sách xóa nhà tạm theo Chương trình 167 và xây chòi tránh lũ theo Chương trình 716 để người dân vừa được ở nhà đảm bảo, tránh lũ, tránh bão an toàn, với thiết kế phù hợp với điều kiện cơn lũ, nâng cao, cấu trúc lớn hơn, diện tích rộng hơn…, thì ngoài việc bảo toàn về người, chòi tránh lũ còn có thể bảo toàn cà tài sản của người dân.

Bài và ảnh Hoàng Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác