Tươi xanh các làng quê triền đê sông Hồng - Hưng Yên

Được xem là một trong những nơi gặp “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” nhất vùng Bắc Bộ, các huyện dọc triền đê sông Hồng của tỉnh Hưng Yên luôn có khí hậu ấm mát, nguồn đất phù sa màu mỡ phù hợp với các loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao như chuối, nhãn, táo, bưởi, cam, quất và những đàn ong mật, gà Đông Tảo nổi tiếng.

Trong những năm qua, các huyện trong tỉnh đã nỗ lực đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, cùng khó khăn đặc thù của vùng đồng bằng đất chật, người đông, vốn đầu tư thiếu nên kết quả thu được chưa cao, vẫn thuộc mức trung bình trong khu vực. Để thúc đẩy kinh tế phát triển, các huyện nơi đây đã tập trung phát huy mọi nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực. Đồng thời khai thác các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ từ bên ngoài, trong đó chú trọng đến việc vay vốn, sử dụng nguồn vốn chính sách của Nhà nước vào mục đích giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Người dân các huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và Tiên Lữ… đã mạnh dạn vay vốn chính sách, làm kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất giá trị, thực hiện trả nợ, nộp lãi đầy đủ, đúng hạn. Đồng hành cùng quá trình đó, NHCSXH đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, hội, đoàn thể các cấp tập trung huy động nguồn vốn, củng cố kiện toàn chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn để chuyển tải nhanh chóng nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng. Đặc biệt, từ đầu năm 2015 đến nay, các địa phương và NHCSXH dọc triền đê sông Hồng đã kề vai sát cánh thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp để bổ sung nguồn vốn cho vay…. Nhờ vậy, đã góp phần tạo ra sự tăng trưởng nguồn vốn chính sách, bình quân mỗi huyện tăng 15 tỷ đồng so với năm 2014,đạt mức dư nợ bình quân là 200 tỷ đồng/huyện; trong đó huyện Khoái Châu đạt dư nợ cao nhất trong toàn tỉnh, xấp xỉ 300 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã cơ bản giải quyết những khó khăn về vốn đầu tư cho kinh tế vườn và phát triển các loại hình kinh tế mới. Tình trạng nông dân vùng đất bãi sông Hồng phải đi vay “nóng” ở bên ngoài chịu lãi suất cao đã được chấm dứt.

Từ nguồn vốn vay, rất nhiều hộ gia đình nơi đây thoát hẳn nghèo khó, có được cơ ngơi khá giả, bề thế. Điển hình là nhà anh Trịnh Văn Quỳnh, với 20 triệu đồng vay vốn giải quyết việc làm đã mở trang trại 4000m2 đất trồng nhãn lồng Hưng Yên và nuôi 300 thùng ong lấy mật, hàng năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hay nhà chị Lý Thị Huyền, anh Nguyễn Văn Thiện cùng ở xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, vừa được vay đến 50 triệu đồng của chương trình tín dụng dành riêng cho hộ mới thoát nghèo để thực hiện kế hoạch mở rộng vườn cây ăn quả bưởi Diễn, cam Canh. Còn chị Vũ Lan Hương, Trần Văn Hoằng, Nguyễn Văn Hợi, Lưu Thị Hiện ở huyện Khoái Châu, nhờ vốn chính sách mà thâm canh chuối tiêu hồng xuất khẩu, nuôi thêm đàn lợn nái, lợn thịt theo phương pháp bán công nghiệp, vịt, gà Đông Tảo…

Tiềm năng lợi thế của vùng đất dọc triền đê sông Hồng - Hưng Yên đã và đang được khai thác, đổi thay không ngừng. Kết quả đáng mừng đó có phần chung tay góp sức của cán bộ, viên chức NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã liên tục bám sát đồng ruộng, làng quê, chuyển tải kịp thời đồng vốn ưu đãi của Nhà nước, giúp nông dân thoát nghèo nhanh, xây dựng cuộc sống no ấm, đẹp giàu. Phóng sự ảnh của HÀ NGỌC DƯ sẽ phản ánh thực tế của đồng vốn tín dụng chính sách tại tỉnh Hưng Yên.