Tô thắm sắc xuân vùng quê bên dãy Ngũ Hành Sơn

Đến xuân này, cái cảnh nghèo khó đã dần lùi xa, không còn bao quanh các làng quê ven sông Hàn, dưới chân núi Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) bởi được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các chương trình, dự án đầu tư, trong đó có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH làm công cụ hữu hiệu giúp người dân phát triển kinh tế.

Chúng tôi theo chân cán bộ tín dụng của NHCSXH TP. Đà Nẵng đến các địa phương trên địa bàn mới thấy hết hiệu quả của đồng vốn chính sách. Nhiều gia đình thuộc diện đặc biệt nghèo, chỉ với 10 triệu đồng vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm hay chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo… qua thời gian đồng vốn “khiêm tốn” ấy đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Có vốn, cộng thêm sự cần cù lao động, tiết kiệm chi tiêu, dần dần các hộ nghèo có thêm vốn mở rộng diện tích trồng trọt, mô hình chăn nuôi, mang lại hiệu quả cho gia đình (ảnh 1, 2, 3 & 4).

Đơn cử, về thôn 5, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, chúng tôi được gặp gia đình ông Chướng Vĩnh Sinh, dân tộc Nùng, vay vốn thông qua Hội Nông dân xã Hòa Ninh, với mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Qua các năm tích lũy, gia đình ông Sinh đã phát triển kinh tế với việc nuôi heo, trồng rừng và buôn bán nhỏ. Chính nhờ nguồn vốn ưu đãi, gia đình ông Sinh đã thoát nghèo bền vững, thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình được vài trăm triệu đồng mỗi năm. Quả là một khoản thu nhập như mơ ở vùng núi khó khăn như xã Hòa Ninh… (ảnh 5).

Hay như, hộ ông Đinh Văn Nhom, dân tộc Cơ Tu ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, được vay vốn thông qua Hội Cựu chiến binh, với mô hình kết hợp chăn nuôi, trồng rừng và dịch vụ vận chuyển. Được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm và 10 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Ông đầu tư vào việc nuôi bò, đến nay đã có 5 con bò. Cùng với việc tích lũy từ tiền bán bò, ông Nhom đã đầu tư trồng được hơn 3ha keo và góp vốn cùng các hộ khác để mua xe tải kinh doanh dịch vụ vận tải. Nhờ đó gia đình ông Nhom đã trả được nợ vay và tích lũy xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn (ảnh 6).

Với ông Nguyễn Đình Toàn ở thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang thì đồng vốn được chắp thêm cánh. Năm 2005, ông Toàn thuộc diện hộ nghèo của địa phương, được vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo. Nguồn vốn đó đã giúp gia đình ông Toàn phát triển sản xuất, chăn nuôi… Đến nay, không những thoát nghèo bền vững mà hộ ông Toàn thuộc diện khá của địa phương, trở thành gương điển hình trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình của xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Ông Toàn cho biết, đến cuối năm 2014, tôi sẽ trả dứt điểm, và mong được NHCSXH tiếp tục cho vay với nguồn vốn lớn hơn để đầu tư mở rộng vườn, chuồng… (ảnh 7 & 8).

Không dừng ở đó, thời gian qua, NHCSXH TP. Đà Nẵng đã chú trọng đến việc đầu tư vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương thông qua việc đầu tư vốn cho các dự án. Tiêu biểu như Công ty TNHH Xây dựng - Tư vấn An Huy - Nhà máy bê tông ly tâm đặt tại Cụm công nghiệp nhẹ Hòa Nhơn, được vay 500 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để sản xuất ống cống bê tông ly tâm cung cấp cho các công trình xây dựng cấp thoát nước và dân sinh trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận, với doanh thu mỗi năm trên 5 tỷ đồng (ảnh 9 & 10).

Khác với mô hình sản xuất tại các cụm công nghiệp, Công ty cổ phần Dana Tre đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động khuyết tật. Ông Trần Viết Linh - Chủ tịch HĐQT (người mù) tâm sự, Dana Tre được NHCSXH cho vay gần 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ Nippon. Doanh thu hàng năm từ 3 đến 5 tỷ đồng, chuyên sản xuất các sản phẩm từ tre như đũa, bàn ghế, rèm trúc… Sản phẩm của doanh nghiệp được xuất khẩu sang các nước như Lào, Ấn Độ… Thu nhập bình quân của người lao động hiện nay từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng tùy thuộc vào năng lực của từng lao động (ảnh 11 & 12).

Có thể nói, với sự vào cuộc tận tụy của đội ngũ cán bộ, nhân viên NHCSXH TP. Đà Nẵng kịp thời “gieo” vốn đến các hộ nghèo để phát triển kinh tế. Thông qua đó, đã góp phần đáng kể vào công cuộc giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng, tô thắm thêm sắc xuân cho quê hương của mình, từng ngày từng giờ vươn lên theo nhịp bước đổi thay của đất nước.