Tín dụng ưu đãi đồng hành xây dựng nông thôn mới

16/07/2019
(VBSP News) Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bên cạnh các nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình, nguồn vốn tín dụng chính sách là một giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy việc hoàn thành các tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
NHCSXH tỉnh Hải Dương giao dịch với bà con ngay tại Điểm giao dịch xã

NHCSXH tỉnh Hải Dương giao dịch với bà con ngay tại Điểm giao dịch xã

Với sự vào cuộc mạnh mẽ, ngay từ khi bắt đầu triển khai, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã luôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị cùng xây dựng phong trào. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, quy định cụ thể của Bộ tiêu chí quốc gia và có những cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các xã, địa phương để xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, NHCSXH tỉnh Hải Dương đã bám sát các chỉ đạo của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh trong triển khai Chương trình để từ đó tham mưu cho UBND và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tổ chức thực hiện, đặc biệt là đầu tư từ vốn tín dụng tín dụng chính sách. Với 10 chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai, tính từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đã gần 100 nghìn lượt hộ gia đình được vay vốn với tổng số tiền đạt hơn 2.852 tỷ đồng.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Hải Dương Nguyễn Văn Thành cho biết, dư nợ tín dụng chính sách tiếp tục tăng trưởng cho thấy hoạt động SXKD của các hộ vay có chiều hướng phát triển, trong đó có nhiều hộ đã mở rộng quy mô SXKD, tăng thu nhập, vươn lên trở thành những hộ khá. Hiện nợ quá hạn và nợ khoanh trên toàn địa bàn chiếm 0,09% tổng dư nợ. Điều này chứng minh cho công tác SXKD của bà con đạt hiệu quả đem lại giá trị kinh tế. Đến nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh đạt hơn 3.440 tỷ đồng; hiện có 90.050 hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn, chiếm 15 % số hộ dân trên địa bàn.
Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong việc cán đích nông thôn mới trên địa bàn huyện Chí Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Phúc Thịnh cho biết: “100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Chí Linh đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng ưu đãi phục vụ SXKD. Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn trong nhiều năm qua”.
Với sự quyết tâm vào cuộc, đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có 176/220 xã (80%) và 3/12 huyện (25%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhiều hộ gia đình đã lập nghiệp thành công từ vốn vay NHCSXH. Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Thơm ở thôn Hòa Bình, xã Cổ Thành, huyện Chí Linh. Năm 2018, được Hội Nông dân động viên, giúp đỡ, gia đình chị Thơm vay 50 triệu đồng từ NHCSXH cộng thêm nguồn vốn tự có, gia đình chị bắt tay vào cải tạo vườn đồi để đào ao, kè bờ thả cá và trồng cây thanh long. Nhờ chịu khó lao động, đến nay, vườn thanh long của chị Thơm có diện tích gần 3,5ha mang lại thu nhập 200 triệu - 300 triệu đồng/năm.

Anh Tạ Văn Luyện ở thôn Cổ Pháp, xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách vào mô hình VAC

Anh Tạ Văn Luyện ở thôn Cổ Pháp, xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách vào mô hình VAC

Cũng nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn chính sách, gia đình anh Tạ Văn Luyện ở thôn Cổ Pháp, xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách vươn lên trở thành hộ khá trong xã. Năm 2016, anh Luyện vay 50 triệu đồng chương trình hộ thoát nghèo để đầu tư xây dựng mô hình VAC. Với ý chí, quyết tâm vượt khó thoát nghèo, đến nay, mô hình VAC của gia đình anh đã phát triển với: 1 mẫu nuôi giống mặt nước gồm: baba và cá thịt; vườn cây ăn quả với 100 gốc cam, 3 sào quất, 3 sào chanh và 10 gốc mít. Thu nhập chính từ cây ăn quả mang lại cho gia đình anh Luyện thu về 150 triệu - 200 triệu đồng/năm.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo nên những bước đột phá trong hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương, từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và củng cố vững chắc an ninh trật tự xã hội.

PV

Các tin bài khác