Chuyện giảm nghèo trên vùng đất của sâm

16/07/2019
(VBSP News) Hiện nay, tỷ lệ giảm nghèo bình quân mỗi năm tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đạt từ 6 đến 8%. Số hộ nghèo của huyện năm 2018 là 3.326 hộ, giảm 1.418 hộ so với năm 2015.
Anh Nghị đầu tư máy xay xát từ nguồn vốn vay ưu đãi

Anh Nghị đầu tư máy xay xát từ nguồn vốn vay ưu đãi

Từ chính sách…
Nam Trà My là một trong những huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam, tính riêng trong năm 2015 số hộ nghèo của huyện là 4.744 hộ, chiếm tỷ lệ 71%. Vì vậy, bên cạnh việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh, phát triển kinh tế thì câu chuyện giảm nghèo luôn là nỗi trăn trở thường trực của chính quyền địa phương. Những năm qua, ngoài việc vận dụng có hiệu quả các chính sách giảm nghèo đặc thù của Trung ương, các chương trình giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam, chính sách giảm nghèo đặc thù khu vực Tây Nguyên…; HĐND, UBND huyện Nam Trà My đã ban hành nhiều cơ chế chính sách giảm nghèo riêng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để đẩy mạnh thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đặc biệt phải kể đến Cuộc vận động “Cán bộ, công chức lao động giúp hộ nghèo thoát nghèo”, theo phương châm “3 công chức lao động giúp một hộ thoát nghèo”. Huyện đã phân công cho 90 cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện giúp đỡ 334 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo và 4 hộ cận nghèo đăng ký thoát cận nghèo vượt trên hộ có mức sống trung bình. Mô hình “Đoàn xung kích cấp huyện, đội xung kích cấp xã” do Đoàn Thanh niên làm nòng cốt, phấn đấu toàn huyện đạt chỉ tiêu giảm nghèo từ 5 đến 7% năm theo Nghị quyết đề ra. Từ những cuộc vận động, mô hình có tính thực tiễn cao này đã tạo những chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo ở Nam Trà My.
Bên cạnh việc triển khai nhiều chính sách giảm nghèo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, huyện còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao quản lý các dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng phương án thực hiện Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình 30a, chương trình 135 lồng ghép cùng với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên… theo hướng tập trung vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
… đến thực tiễn
Tới thăm gia đình anh Đinh Văn Nghị, một trong 7 hộ tại làng Tu Nứt, thôn 3, xã Trà Mai được Doanh nghiệp giúp thoát nghèo. Anh Nghị cho biết, trước đây cuộc sống gia đình anh rất khốn khó, làm lụng quanh năm nhưng vẫn không đủ ăn. Cách đây gần một năm, anh được một doanh nghiệp nhận vào làm việc với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng; anh còn được công ty hướng dẫn vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Nam Trà My đầu tư mua máy xay xát mở dịch vụ xay lúa cho bà con trong làng. Từ sự thành công bước đầu anh Nghị được công ty tư vấn mở trại chăn nuôi heo đen địa phương với số lượng lớn, nhằm cung cấp số heo đen đạt chất lượng cho thị trường, đến nay gia đình anh đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Có mặt tại làng Long Túc, thôn 5, xã Trà Nam, mặc dù là ngày nghĩ cuối tuần, song không khí làm đường giao thông vẫn diễn ra khá tấp nập. Bí thư chi đoàn Khối chính quyền huyện Châu Minh Nghĩa cho biết không chỉ giúp dân làm đường giao thông, dựng nhà, mà trong các đợt xung kích vì cộng đồng, các bạn đoàn viên thanh niên còn tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hướng cho người dân tiêu thụ sản phẩm, lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường cùng nhau phát triễn sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh việc giúp dân thoát nghèo nhờ sản xuất kinh doanh, một số đơn vị ở Nam Trà My lại có cách làm mới và mạnh dạn hơn đó là đưa con em hộ nghèo đi tìm tri thức. Nói về vấn đề này, Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy Nguyễn Tấn Thành cho biết: “Nam Trà My là huyện miền núi, tập quán sản xuất, nhiều tập tục của người dân còn lạc hậu, nhằm giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất cũ, những tập tục lạc hậu thì phải đầu tư tri thức cho chính những con em của địa phương được đi học để tiếp thu được những tiến bộ của KHKT vào sản xuất và chính những người được cử đi học này khi trở về họ sẽ góp phần giúp bà con ở quê hương thoát nghèo bền vững hơn”. Qua sự vận động hỗ trợ của Ban Tổ chức huyện ủy đã có có nhiều thanh niên tham gia học tập tại các thành phố lớn như anh Hồ Văn Hinh từ một phụ hồ đã nộp hồ sơ vào học trung cấp nghề tại Đà Nẵng; chị Phạm Thị Tiễu đi học nghề và được nhận vào làm việc trong một Công ty ở Đà Nẵng; nhiều thanh niên được đào tạo và đi xuất khẩu lao động…
Tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn giảm nghèo
Những kết quả đạt được trong chương trình giảm nghèo bền vững của huyện Nam Trà My luôn có những đóng góp tích cực của NHCSXH. Với trách nhiệm được giao hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi kịp thời cho các hộ nghèo trên địa bàn có đủ vốn để sản SXKD, những người cán bộ của NHCSXH đã vượt qua mọi khó khăn để đưa nguồn vốn đến người cần vốn, họ như người bạn đồng hành với người nghèo và đối tượng chính sách trong hành trình vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Giám đốc NHCSXH huyện Nam Trà My Trần Văn Quang cho biết: “Hơn 10 năm trước khi được Nhà nước cho vay vốn, không ít hộ đồng bào Cadong ở huyện đem tiền cất trên giàn bếp vì họ không biết sử dụng số tiền đó để để trồng cây gì, nuôi con gì và đến kỳ hạn thì đem nguyên số tiền trả lại cho ngân hàng. Vì vậy, ngoài nghiệp vụ tín dụng, cán bộ của NHCSXH còn trau dồi thêm kiến thức về khởi nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi… để hướng dẫn bà con sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, thoát nghèo bền vững”.
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Thanh Truyền, người dân tộc Cadong ở thôn 2, xã Trà Mai, một trong số những gia đình tiêu biểu trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả, anh cho biết từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng của NHCSXH huyện vợ chồng anh mua hai con bò, mua giống và trồng 3ha keo lai cùng 5.000 cây chuối mốc. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng.

Gia đình anh Truyền sử dựng vốn vay ưu đãi để mua bò

Gia đình anh Truyền sử dựng vốn vay ưu đãi để mua bò

Giám đốc Trần Văn Quang cho biết thêm, NHCSXH huyện đã cho vay hơn 50 tỷ đồng cho 600 hộ trồng sâm Ngọc Linh và đã có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trở thành một trong những hộ khá giả nhất nhì của huyện như ông Nguyễn Văn Lượng, ông Hồ Văn Du ở thôn 2, xã Trà Linh…; toàn huyện đã có dư nợ trên 150 tỷ đồng, đa phần người dân đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và đặc biệt là huyện không có nợ quá hạn.
Đến Nam Trà My hôm nay, không chỉ về với miền đất của sâm Ngọc Linh một sản phẩm quốc gia, mà còn nghe nhiều câu chuyện về giảm nghèo bền vững. Đâu đó trên các xã vùng trung và vùng cao của địa phương này đã xuất hiền nhiều triệu phú khởi nghiệp từ vốn vay hộ nghèo. Hy vọng với việc triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của chính phủ trong mục tiêu giảm nghèo bền vững, cùng với việc xây dựng các cơ chế đặc thù phù hợp với thực tiễn tại địa phương thì chắc chắn rằng trong tương lai không xa, huyện vùng cao Nam Trà My sẽ sớm thoát khỏi huyện nghèo và cuộc sống của người dân nơi đây sẽ ngày càng ấm no hơn.

Bài và ảnh Lê Hùng Lam

Các tin bài khác