Tín dụng chính sách xã hội - Yếu tố quan trọng để giảm nghèo nhanh, bền vững
20 năm qua, chính sách tín dụng ưu đãi đã giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ người vay có nguồn lực để đầu tư các mô hình SXKD hiệu quả, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý vốn, mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế hộ tái nghèo. Hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội chuyển đổi cách tiếp cận người nghèo thay vì “cho cá” sang “giúp cần câu”, phát huy tính vượt khó vươn lên của bản thân người nghèo, tạo cho người nghèo có thêm động lực phát triển SXKD, mạnh dạn trong việc vay vốn, ý thức trách nhiệm cũng như kinh nghiệm sử dụng vốn vay được nâng lên.
Đặc biệt, sau khi triển khai và thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và tiếp đó là Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên và xác định đây là một trong những chỉ tiêu thi đua của quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
UBND thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể UBND cấp cơ sở tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tốt và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, cấp ủy và chính quyền các cấp ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương đã tăng hơn 261,7 tỷ đồng (+376% so với trước khi có Chỉ thị), nâng tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt hơn 331,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,3% tổng nguồn vốn cho vay. Trong đó, ngân sách thành phố là hơn 291,6 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện hơn 39,6 tỷ đồng. Đến 31/7/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên đại bàn thành phố đạt 3.911 tỷ đồng, tăng hơn 2.045 tỷ đồng so với năm 2014 (tỷ lệ tăng 110%).
Dòng vốn tín dụng chính sách xã hội vì thế ngày càng đi sâu vào tất cả các phân khúc nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn thành phố, tập trung ưu tiên hỗ trợ người dân ở các địa bàn khó khăn. Qua 8 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, chi nhánh NHCSXH TP Hải Phòng đã thực hiện giải ngân vốn ưu đãi cho 245.535 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để phục vụ hoạt động dịch vụ, SXKD với tổng số tiền đạt hơn 7.295 tỷ đồng.
Thông qua nguồn vốn tín dụng đã giúp trên 33.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 106.000 hộ gia đình xây dựng được trên 211.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh đảm bảo môi trường; giúp gần 4.000 HSSV trang trải các khoản chi phí học tập sinh hoạt; duy trì, tạo việc làm cho trên 29.700 lao động; 8 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ xây dựng được 1.117 ngôi nhà cho hộ nghèo; cho vay để mua, xây dựng mới nhà 330 ngôi nhà cho các đối tượng theo Nghị định số 100/2015 của Chính phủ… Toàn thành phố đã có hơn 97.900 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế điển hình, thúc đẩy hội viên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân nhấn mạnh: “Thông qua việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, cấp uỷ chính quyền địa phương các cấp, nhất là sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tuợng chính sách khác, hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ biết cách làm ăn, từng bước chuyển biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn cho vay ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH đã khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đời sống nhân dân vùng nghèo được nâng lên, điều kiện kinh tế được cải thiện, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”.
Ghi nhận và đánh giá cao thành quả giảm nghèo thực thi tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố Hải Phòng, tuy nhiên, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bất cập, vướng mắc, như: Nguồn lực của thành phố để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn chưa tương xứng so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến nay, thành phố chưa có các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay tín dụng chính sách.
Vì vậy, Tổng Giám đốc đề nghị thời gian tới, Thành ủy Hải Phòng tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách thành phố ủy thác sang NHCSXH theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào một đầu mới là NHCSXH. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các quận, huyện cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho NHCSXH trên địa bàn các địa phương.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang đánh giá cao sự quan tâm của NHCSXH Trung ương, cùng chi nhánh NHCSXH TP Hải Phòng thời gian qua có đóng góp rất lớn trong công tác giảm nghèo trên địa bàn toàn thành phố. Đồng chí Bí thư Thành ủy cam kết tiếp tục đồng hành với NHCSXH Trung ương bổ sung nguồn vốn, nhất là trong 2 năm tới; tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ đó, xây dựng đề án cùng NHCSXH Trung ương, chi nhánh NHCSXH TP Hải Phòng tập trung nguồn lực chăm lo sự nghiệp chung vì người nghèo; tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tăng nguồn vốn vay giải quyết việc làm, công trình nước sạch, công trình vệ sinh bảo đảm môi trường.
Việt Hải
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Trên 917.000 lượt hộ dân Vĩnh Long được vay vốn chính sách
- » 20 năm đồng hành cùng người dân Vĩnh Long trên con đường thoát nghèo (THVL - 24.8.2022)
- » Hành trình đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo (Bài cuối: Vì mục tiêu giảm nghèo)
- » Hành trình đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo (Bài 1: Động lực từ vốn chính sách)
- » Điểm sáng tín dụng chính sách (Bài 2: Động lực phát triển)
- » Điểm sáng tín dụng chính sách (Bài 1: Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau)
- » Lâm Đồng tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » 20 năm thực hiện hóa khát vọng trên mảnh đất Nam Tây Nguyên (LTV - 22.8.2022)
- » Vĩnh Phúc tổng kết 20 năm triển khai tín dụng ưu đãi