Tín dụng chính sách giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống

13/07/2017
(VBSP News) Đó là khẳng định của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại buổi làm việc với NHCSXH về kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ đồng bào DTTS nghèo từ năm 2005 đến nay, phương hướng, giải pháp trong thời gian tới.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến (ngoài cùng bên phải) phát biểu

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến (ngoài cùng bên phải) phát biểu

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc có đồng chí Dương Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy NHCSXH TW, Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc; đồng chí Lê Ngọc Bảo, Ủy viên HĐQT - Trưởng Ban Kiểm soát; đại diện Lãnh đạo 4 tổ chức chính trị - xã hội TW nhận ủy thác dịch vụ của NHCSXH; các Phó Tổng Giám đốc; Kế toán trưởng; Giám đốc, Phó Giám đốc một số Ban CMNV và Trung tâm Đào tạo.

Hiện nay, NHCSXH đang cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án khác có tổng dư nợ đạt trên 166 nghìn tỷ đồng, với 8,4 triệu món vay của gần 7 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó có trên 1.473 nghìn khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện, với tổng dư nợ đạt trên 40 nghìn tỷ đồng (chiếm 24%/tổng dư nợ của NHCSXH), dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt hơn 27 triệu đồng (trong khi bình quân chung tất cả các hộ là 25 triệu đồng/hộ).

Riêng các chương trình cho vay đồng bào DTTS theo các Quyết định 54, 29, 755 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 75/2015 ngày 09/9/2015 của Chính phủ đạt tổng dư nợ trên 2.000 tỷ đồng, với hơn 215 nghìn hộ đồng bào DTTS đang vay.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng (thứ 2 phải qua) phát biểu tại buổi làm việc

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng (thứ 2 từ phải qua) phát biểu tại buổi làm việc

Tín dụng chính sách cũng đã được đầu tư cho 100% hộ đồng bào DTTS tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Có những hộ đã vay vốn từ 2 đến 3 chương trình. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung và hộ đồng bào DTTS nói riêng; góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng triệu lượt hộ, giúp cho hộ nghèo, đặc biệt là ở các huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hộ đồng bào DTTS và tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước làm quen với cơ chế thị trường.
Có được kết quả trên là do NHCSXH đã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trong toàn hệ thống, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, là những nơi đặc biệt khó khăn, có nhiều hộ nghèo; mặt khác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động tín dụng chính sách, đảm bảo phục vụ nhân dân tốt hơn…
Thảo luận tại buổi làm việc, các tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác của  NHCSXH đều cho rằng, chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng cho đồng bào DTTS trong thời gian tới cần tăng mức cho vay, tập trung vào một số ngành nghề trọng yếu để người dân có định hướng làm ăn, tạo sinh kế bền vững trong tương lai. Đồng thời phải cần phải đẩy mạnh việc chuyển giao KHKT gắn với tín dụng chính sách, có chính sách bao tiêu sản phẩm cho bà con,…

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những kết quả hoạt động của NHCSXH trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Bộ trưởng nhấn mạnh, các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ được NHCSXH thực hiện đã góp phần tích cực giúp cho bà con, trong đó có đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững, làm cho tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng trên địa bàn được ổn định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng vẫn còn một bộ phận đồng bào DTTS sử dụng vốn vay chưa hiệu quả; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước còn hiện hữu, không chịu làm ăn để trả nợ, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả của tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh việc chuyển giao KHKT, có định hướng, thị trường tiêu thụ sản phẩm để giúp người dân tạo được năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, hình thành, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho vùng đồng bào dân DTTS và xây dựng các chính sách bền vững hơn trong tiêu thụ sản phẩm.

Để tiếp tục quản lý tốt các chương trình tín dụng đối với hộ đồng bào DTTS giai đoạn vừa qua và các chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, thời gian tới, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị Uỷ ban Dân tộc và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cùng phối hợp, tích cực vận động hộ vay, đôn đốc thu hồi nợ, lãi theo quy định; phối hợp xử lý hộ vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan phải đảm bảo khách quan, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao của chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể và nhân dân.

Đối với việc triển khai cho vay đồng bào DTTS theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay NHCSXH đã chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố cho vay phải đúng đối tượng thụ hưởng chính sách, đúng mục đích sử dụng vốn vay, người vay phải có phương án sản xuất kinh doanh sát thực…, đề nghị Uỷ ban Dân tộc cùng các hội, đoàn thể bám sát chương trình để đảm bảo chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc, chính quyền các cấp, các ngành cần gắn kết hơn nữa việc đầu tư chương trình tín dụng chính sách vào mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương; thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư, chuyển giao KHKT, có định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm… để giúp người dân, nhất là đồng bào DTTS nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình vay vốn ưu đãi, thoát nghèo bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về việc giảm nghèo đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

PV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác