Hoạt động tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ

27/06/2017
(VBSP News) “Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ đã thực sự đi vào cuộc sống, đã chọn đúng trọng tâm và phối hợp, chỉ đạo hiệu quả”, ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ khẳng định.

Trong giai đoạn 2012 - 2016, đã có trên 2,3 triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực Tây Nam Bộ được vay vốn từ NHCSXH

Trong giai đoạn 2012 - 2016, đã có trên 2,3 triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực Tây Nam Bộ được vay vốn từ NHCSXH

 

Huy động tổng lực

Vùng Tây Nam Bộ tuy không giàu khoáng sản nhưng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với thế mạnh về nông nghiệp, khai thác nuôi trồng thủy hải sản, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng, đóng góp trên 80% sản lượng gạo xuất khẩu, 40% giá trị thuỷ sản của cả nước. Trong vùng, hoạt động tín dụng ngân hàng cũng vì thế trở nên rất sôi động.

Tuy nhiên, ở vùng châu thổ phì nhiêu này vẫn còn tới 14,4% hộ nghèo và hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ tái nghèo lớn. Cùng với đó, hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH vào thời điểm cuối năm 2011 bộc lộ nhiều nhiều hạn chế, yếu kém: nguồn vốn, dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm, nợ quá hạn liên tục tăng cao, chiếm tới 4,11% tổng dư nợ, gấp gần 2,1 lần tỷ lệ nợ quá hạn bình quân chung toàn hệ thống; lãi tồn đọng chiếm 1/3 lãi tồn đọng của NHCSXH trong cả nước…

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, một giải pháp căn cơ cho mục tiêu giảm nghèo bền vững; NHCSXH, tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn ở nhiều nơi chưa thực hiện tốt trách nhiệm trong quản lý vốn vay; người dân sử dụng vốn vay manh mún, kém hiệu quả, chưa thực sự ý thức được nguyên tắc tín dụng “có vay - có trả”, tư tưởng bao cấp, trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước còn hiện hữu.

Trong bối cảnh đó, Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ ra đời mang đến những giải pháp đồng bộ, nhằm tạo nên “cú hích” giúp cho chất lượng tín dụng của vùng có chuyển biến rõ rệt.

Tỉnh ủy, UBND các cấp đã ban hành Chỉ thị, văn bản chỉ đạo các ngành, hội, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền cơ sở phối hợp với NHCSXH thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn; đưa chỉ tiêu chất lượng tín dụng chính sách làm cơ sở đánh giá đơn vị, tổ chức cơ sở Đảng, hội, đoàn thể trong quá trình bình xét thi đua hàng năm. Các xã có chất lượng tín dụng thấp thành lập Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng. UBND xã giao rõ trách nhiệm cho Trưởng ấp trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách từ khâu nhận chỉ tiêu phân vốn đến tổ chức giám sát bình xét cho vay tại tổ, ký trên biên bản họp bình xét cho vay của Tổ tiết kiệm và vay vốn, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của người vay, hoạt động của tổ…

Bà Trần Thị Huê - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh (Long An) cho biết: “Đối với Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện chúng tôi đã vào cuộc rất tích cực, sâu sát để đưa các chương trình tín dụng chính sách đến đúng địa chỉ đối tượng thụ hưởng. Trước đây có một số cán bộ, nhân dân nhận thức không đúng với hoạt động tín dụng chính sách là của riêng ngành Ngân hàng, nhưng từ khi có Chỉ thị 40 của Đảng, các cấp uỷ, chính quyền đã vào cuộc thật sự, sâu sát hơn”.

Với góc độ chính quyền cấp xã, ông Kim Xiên - Chủ tịch UBND xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú (Trà Vinh) chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Đề án: “Sau khi nợ đến hạn, chúng tôi có hội đồng thu hồi nợ, có đại diện lãnh đạo UBND xã do tôi làm Trưởng ban cùng các hội, đoàn thể, trưởng ấp ngồi lại kiểm tra các hộ trả nợ đến hạn như thế nào. Ví dụ, đối với hộ đến hạn trả nợ vào tháng 4 nhưng khoảng tháng 2, 3 chúng tôi đã thông báo, vận động trước. Rồi hàng tháng, kiểm tra họ sử dụng vốn vay ra sao, có đúng mục đích hay không để kịp thời động viên hoặc khuyên bảo”.

Không còn yếu kém

Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ bước đầu đã thành công với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, sự vào cuộc trách nhiệm từ cơ sở, đặc biệt sự đóng góp trực tiếp, thiết thực của đội ngũ cán bộ NHCSXH với phương châm “3 cùng”: Cùng bám sát cơ sở - Cùng bàn bạc, thống nhất với chính quyền, hội đoàn thể - Cùng tham gia hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả và đôn đốc hoàn trả nợ, lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn.

Nhờ đó, diện mạo tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Nam Bộ đang từng ngày đổi thay cả về lượng và chất với những tín hiệu lạc quan.

Trong giai đoạn 5 năm thực hiện Đề án, tổng doanh số cho vay toàn vùng đạt 33.393 tỷ đồng với 2.350 nghìn lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; tổng dư nợ đến hết năm 2016 đạt 27.838 tỷ đồng, tăng 10.918 tỷ đồng so với cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân là 10,5%, cao hơn 1,8% tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn hệ thống (8,7%). Một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao như: Hậu Giang 14,7%; Cần Thơ 13,6%; Cà Mau 12,3%; Sóc Trăng 11,8%,…

Trong giai đoạn 2012 - 2016, đã có trên 2,3 triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực Tây Nam Bộ được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính đã góp phần giúp gần 386 nghìn hộ vay vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 147 nghìn lao động, trong đó, trên 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 184 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 1,1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; trên 36 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó, có trên 20 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng ĐBSCL,…

Bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đánh giá: “Qua giám sát chúng tôi thấy có sự chuyển biến rất tích cực. Nếu như trước đây mọi việc vay vốn, sử dụng vốn vay hay thu hồi nợ vay hầu như chỉ giao cho NHCSXH, nhưng từ khi thực hiện Đề án, cả hệ thống chính trị ở tỉnh Hậu Giang đã vào cuộc, trong đó vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn, các Trưởng ấp được phát huy rất tốt”.

Giờ đây trách nhiệm quản lý vốn tín dụng chính sách không chỉ của cán bộ NHCSXH, tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn, mà còn là câu chuyện hàng ngày trong nội dung hoạt động của chính quyền cơ sở, thậm chí ở các xã phát sinh nợ quá hạn, khó thu hồi, đích thân Chủ tịch UBND cấp xã đứng ra làm Tổ trưởng Tổ thu hồi nợ. Nhờ đó, ý thức của người dân trong sử dụng vốn và thực hiện trách nhiệm trả nợ, trả lãi đã có những đổi thay căn bản. Chất lượng tín dụng chính sách tại các tỉnh trong khu vực đã được nâng lên so với thời điểm xây dựng Đề án. Nợ quá hạn đến hết năm 2016 là 224.542 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,81% tổng dư nợ, giảm 410.224 triệu đồng (3,3%) so với thời điểm xây dựng Đề án, tất cả 13/13 tỉnh, thành phố đều có tỷ lệ nợ quá hạn giảm. Điển hình một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ quá hạn giảm nhiều như: Hậu Giang giảm 7,86% (tỷ lệ nợ quá hạn đến 31/12/2016 là 0,43%); Cần Thơ giảm 3,78% (0,35%), Trà Vinh giảm 3,48% (0,39%), An Giang giảm 7,39% (0,98%), Cà Mau giảm 5,04% (0,73%)…

Tuy đạt được những kết quả bước đầu tích cực nhưng tín dụng chính sách xã hội khu vực Tây Nam Bộ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại; nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của các đối tượng thụ hưởng chính sách; chất lượng tín dụng chưa bền vững, chưa đồng đều giữa các địa phương; công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; chưa kịp thời rà soát, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo để người dân được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Sự phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm… với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH chưa tạo được sự gắn kết để vốn tín dụng chính sách thực sự phát huy hiệu quả đồng bộ và lâu dài.

Từng bước giải quyết những vấn đề này tiếp tục là yêu cầu nhiệm vụ, là mục tiêu của những người làm tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ, để tín dụng chính sách tiếp tục khẳng định là một giải pháp cơ bản thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện cho người nghèo, đối tượng chính sách phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; phát huy tiềm năng, lợi thế vùng đồng bằng sông Cửu Long; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Điểm nổi bật trong giai đoạn 2012 - 2016 là từ năm 2014 đến nay, Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc nói chung và đối với các tỉnh, thành trong khu vực Tây Nam Bộ nói riêng.

Các tỉnh, thành trong khu vực đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, cân đối nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn. Nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 453 tỷ đồng (tăng 93,8% so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW), đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 936,5 tỷ đồng. Điển hình một số tỉnh, thành phố có nguồn vốn ủy thác tại địa phương nhiều như: Đồng Tháp (208,4 tỷ đồng); Cần Thơ (121,2 tỷ đồng); Long An (99,6 tỷ đồng); An Giang (100 tỷ đồng); Trà Vinh (99 tỷ đồng); Cà Mau (61 tỷ đồng); Sóc Trăng (54,7 tỷ đồng); Kiên Giang (49,6 tỷ đồng)…

 

Bài và ảnh Thái Hòa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác