Trước thực trạng xuất phát điểm của huyện là nền kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, lãnh đạo huyện Tam Nông (Phú Thọ) đã tập trung tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương hiểu rõ tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, từ đó tích cực tham gia các biện pháp phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng mô hình trang trại, gia trại, khôi phục mở mang làng nghề, tiểu thủ công nghiệp…
Cùng với định hướng đúng đắn việc khai thác các lợi thế đặc thù, kiện toàn Ban giảm nghèo ở tất cả 20 xã, thị trấn, huyện Tam Nông đã lồng ghép và thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách để đầu tư thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực tế thời gian qua, NHCSXH huyện Tam Nông đã nêu cao tinh thần đoàn kết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương, tổ chức thực hiện hiệu quả 12 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
Nguồn vốn chính sách của Nhà nước đã và đang được chuyển kịp thời về đúng nơi ở các đối tượng được thụ hưởng. NHCSXH huyện đã duy trì hoạt động Điểm giao dịch tại xã, củng cố kiện toàn mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, xóm và phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể động viên, hướng dẫn bà con vay vốn và sử dụng vốn vay đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững (ảnh 1)
Tính đến nay, vùng trung du miền núi Tam Nông có trên 10.920 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay gần 250 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo đạt dư nợ lớn nhất 66 tỷ đồng (1.083 hộ), cho vay hộ SXKD vùng khó khăn 37,6 tỷ đồng (1.356 hộ)…
Đến thăm gia đình ông, bà Nguyễn Khắc Hiệt và Nguyễn Thị Đào ở khu 5, xã Thượng Nông chúng tôi cảm nhận được niềm vui khôn xiết của chị bởi gia đình đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo từ giữa năm 2015, trả hết 104 triệu đồng là toàn bộ số tiền vay của cả 3 chương trình hộ nghèo, HSSV và nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, “Được vay vốn chính sách để đầu tư cho con học tập và đầu tư mở rộng chuồng trại phát triển chăn nuôi, trồng chuối, đu đủ và các loại hoa màu khác để tăng nguồn thu cho gia đình - mong ước mong của gia đình tôi đã thành hiện thực”, chị Đào hồ hởi nói (ảnh 2,3 và 4).
Còn gia đình ông Trần Quang Hưng ở khu 4, xã Thượng Nông nhờ nguồn vốn vay chính sách phát triển nghề làm nấm và chăm lo chu đáo cho 2 người con theo học Đại học Bách khoa và Đại học Lâm nghiệp Hà Nội. Hiện gia đình anh có đàn bò 4 con và 20 giàn nấm sò, nấm mộc nhĩ cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động có mức thu nhập ổn định. Ông Hưng cho biết tất cả là “của dự trữ” để gia đình thực hiện kế hoạch làm giàu ngay tại đồng đất quê hương bằng chính sức lao động của mình và sự hỗ trợ của NHCSXH (ảnh 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 11).
Trên đây là hai trong nhiều trường hợp ở xã Thượng Nông nói riêng, toàn huyện Tam Nông nói chung đã thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách. Có được kết quả đó, huyện uỷ, UBND huyện Tam Nông đã ra Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo, trong đó NHCSXH góp phần tích cực làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn miền núi trung du và tạo cơ hội cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu cho gia đình và cho quê hương (ảnh 12).