Tác động của tín dụng chính sách đối với người dân vùng ven biển Nghi Xuân

02/12/2016
(VBSP News) Trong những năm qua, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân. Đặc biệt, do quán triệt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc và đổi mới công tác chỉ đạo nên đã huy động được nguồn lực tài chính khá lớn; đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vốn ưu đãi đã giúp các hộ gia đình ở huyện Nghi Xuân xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế gia trại hiệu quả

Vốn ưu đãi đã giúp các hộ gia đình ở huyện Nghi Xuân xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế gia trại hiệu quả

Nếu như năm 2011, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Nghi Xuân đạt 268 tỷ đồng thì đến thời điểm hiện tại đã tăng lên 325 tỷ đồng, trở thành một trong những đơn vị có dư nợ nằm trong “Câu lạc bộ 300 tỷ đồng” trên dải đất hẹp Hà Tĩnh.

Thực tế cho thấy toàn bộ hoạt động từ việc huy động nguồn vốn đến công tác cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay trên địa bàn huyện đã được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các hội, đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo vững chắc. Đồng thời gắn việc vay vốn với việc hướng dẫn cách thức làm ăn mới, khuyến nông, khuyến ngư và chuyển giao KHKT. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở 27 xã, thị trấn trong toàn huyện Nghi Xuân từ vùng bãi ngang ven biển đến miền đất gò đồi có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn chính sách đã được đáp ứng kịp thời. Chỉ tính riêng 11 tháng năm 2016, NHCSXH huyện Nghi Xuân đã cho vay trên 80 tỷ đồng cho gần 1.600 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay để SXKD, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi ngành nghề bởi sự cố môi trường biển, nâng tổng dư nợ sau 14 năm hoạt động lên 325 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn chính sách của NHCSXH đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều gương sản xuất giỏi, giải quyết việc làm, xóa nghèo nhanh, làm giàu chính đáng. Xin đơn cử chị Hoàng Thị Hương ở thôn Gia Phú, xã Xuân Viên là một hộ gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng bị tai nạn giao thông không còn khả năng lao động, một mình chị phải bươn chải nuôi 3 người con ăn học. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, chị Hương được NHCSXH huyện cho vay vốn chính sách về nuôi bò sinh sản, gà đồi, cuộc sống đỡ thiếu thốn hơn trước. Không những vậy, vừa qua chị còn được chị em trong chi hội phụ nữ thôn động viên, mạnh dạn vay tiếp 50 triệu đồng của NHCSXH huyện để tham gia Tổ hợp tác trồng rau xanh trên đất cát. Cuộc sống giờ đây của gia đình chị không còn nghèo nữa mà trở nên khấm khá. Năm 2015, chị Hương đã xây dựng được ngôi nhà 4 gian rộng gần 100m2 kiên cố. Cùng với chị Hương, ở xã Xuân Viên còn có đến 45 hộ gia đình thoát nghèo trong hai năm qua từ việc sử dụng vốn chính sách hiệu quả đầu tư vào thâm canh trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình kinh tế gia trại.

Nguồn vốn chính sách trên địa bàn huyện Nghi Xuân không chỉ giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. NHCSXH huyện đã phối hợp với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tại các thôn, xã gắn công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư SXKD, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, điều kiện sống của người dân với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Xã Xuân Thành là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Nghi Xuân đã có trên 1.000 lượt hộ được vay đến 25 tỷ đồng của 9 chương trình tín dụng chính sách, trong đó 3/4 là số tiền được đầu tư vào SXKD, giải quyết việc làm, xây dựng các công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Có nhiều hộ gia đình vay vốn chương trình tín dụng giải quyết việc làm mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập mỗi năm tới cả trăm triệu đồng. Ví như chị Hoàng Thị Lưu ở thôn 5 nuôi lợn siêu lạc; hay ông Trịnh Quang Tuấn ở thôn 1 nuôi bò sinh sản kết hợp trồng nấm rơm, nấm sò; chị Hoàng Thị Hoa ở thôn 5 vay vốn ưu đãi thâm canh vào vườn rau củ quả theo công nghệ sinh học,…

Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, Nguyễn Xuân Hồng khẳng định: “Nguồn vốn chính sách đã góp phần tích cực làm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của xã 2%/năm. Hiện tại hộ nghèo toàn xã chỉ còn 4,2%. 100% số hộ của 10 thôn trong xã được dùng điện, có công trình nước sạch và nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn.  Nguồn vốn chính sách có vai trò hết sức quan trọng, tạo điều kiện giúp cho xã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trước thời gian quy định”.

Có được những kết quả như trên là nhờ cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở huyện Nghi Xuân đã tập trung chỉ đạo và đưa ra những giải pháp tích cực về tín dụng chính sách, giúp người nghèo tự tin vươn lên thoát nghèo bền vững. Các  xã đã tiến hành rà soát, điều tra xác minh đối tượng thụ hưởng chính sách vay vốn đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng đối tượng; hạn chế việc cấp phát cho không, nâng cao ý thức của người dân có vay vốn, trả lãi và gốc đúng hạn. Cùng với đó, NHCSXH làm tốt việc quản lý, hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Bài và ảnh Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác