Sẵn sàng vốn cho sinh viên vay vào năm học mới

06/09/2014
(VBSP News) Ngày 5/9, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý thông tin cho báo chí được biết, ngân hàng đã chuẩn bị đủ vốn để tất cả các HSSV đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ và có nhu cầu sẽ được vay vốn đi học kịp thời.
Cho vay hộ nghèo và HSSV có hoàn cảnh khó khăn tại Điểm giao dịch xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy (Thái Bình) Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Cho vay hộ nghèo và HSSV có hoàn cảnh khó khăn tại Điểm giao dịch xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy (Thái Bình)
                                                                                                                                     Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Chương trình “ba nhất”

Sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình tín dụng cho HSSV vay vốn học tập theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý đánh giá, đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhất, nhưng cũng khó khăn nhất mà lại thành công nhất.

Quả đúng như lời nhận xét của Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý, ý nghĩa nhân văn của chương trình thì có lẽ không cần nói thêm nhiều, mà chỉ cần dẫn số liệu: đã có trên 3,3 triệu lượt HSSV được tiếp cận vốn. Nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao là “không để một HSSV nào vì thiếu tiền mà phải bỏ học” về cơ bản đã hoàn thành.

“Theo Quyết định 1196 của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/7/2013, mức cho vay tối đa đối với HSSV hiện nay là 1,1 triệu đồng/tháng”.

Còn với những cán bộ gắn bó tâm huyết cùng sự nghiệp tín dụng chính sách, Chương trình tín dụng HSSV là một thử thách lớn. Bởi lẽ, Chương trình tín dụng ưu đãi cho HSSV trước kia đã từng được một ngân hàng của Nhà nước triển khai với quy mô nhỏ. Nhưng khi bàn giao cho NHCSXH thì đây là một trong những chương trình có nợ quá hạn lớn nhất, lên đến hàng chục phần trăm mà cho đến nay vẫn còn nhiều khoản khó đòi. Do đó, khi NHCSXH triển khai với quy mô lớn hơn với hàng nghìn tỷ đồng giải ngân, nhiều ý kiến và ngay bản thân nhiều cán bộ NHCSXH cũng bày tỏ lo ngại về khả năng bảo toàn vốn của chương trình. Ngoài ra, do số lượng HSSV vay vốn lớn nên áp lực về nguồn vốn, nhất là vào đầu các học kỳ, cũng khiến Ban lãnh đạo NHCSXH lo mất ăn mất ngủ để tìm nguồn đáp ứng. Đã có thời điểm nguồn vốn điều chuyển về các địa phương chưa kịp thời là nhiều ý kiến từ cơ sở “bay” tới tấp về Hội sở chính ngân hàng.

Cho đến năm 2012, khi nhiều khoản vay bắt đầu đến hạn trả, Ban lãnh đạo NHCSXH mới thở phào nhẹ nhõm bởi công tác thu nợ của chương trình quá tốt, hơn cả mong đợi. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ có 0,46% trong tổng số dư nợ hơn 30.000 tỷ đồng. Cũng chính việc thu nợ tốt nên nguồn vốn quay vòng đủ đáp ứng cho các thế hệ HSSV tiếp theo được vay vốn đi học, càng thể hiện rõ tính ưu việt và nhân văn của chương trình.

Bài học từ cơ sở

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của Chương trình tín dụng HSSV nói riêng cũng như các chương trình tín dụng khác của NHCSXH nói chung là việc ngân hàng đã xây dựng được mô hình tổ chức quản trị đặc thù, phát huy được vai trò của hệ thống chính quyền và tính dân chủ từ cơ sở. HĐQT ở cấp Trung ương và Ban đại diện HĐQT ở cấp tỉnh và huyện gồm lãnh đạo chính quyền và các ngành, đoàn thể liên quan. Một số khâu trong hoạt động tín dụng được ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Ở các thôn, bản có các Tổ tiết kiệm và vay vốn do các hội, đoàn thể quản lý.

Từ đây việc bình xét các đối tượng được vay vốn cũng như quản lý vốn, thu hồi nợ thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát của cộng đồng. Nhờ đó mà không chỉ quản lý vốn vay tốt mà NHCSXH còn thực hiện được việc giao dịch tại xã, giảm bớt nhiều chi phí, thủ tục cho người vay. Công tác tuyên truyền về ý nghĩa của các chương trình tín dụng ưu đãi đến được với mọi người dân, giúp nâng cao ý thức của người vay về việc sử dụng vốn đúng mục đích. Các chương trình tín dụng cũng được địa phương lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm góp phần giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả.

Riêng với Chương trình tín dụng HSSV, một trong những giải pháp đột phá là vốn giải ngân chuyển từ cho cá nhân người HSSV vay sang hộ gia đình của HSSV. Cùng với các chương trình cho vay xóa đói, giảm nghèo khác, hộ gia đình sẽ có điều kiện trả nợ vay tốt hơn. Và có lẽ vì thế, điều mà Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý còn trăn trở không phải là thu hồi nợ hay tìm nguồn vốn mà chỉ là đề xuất nâng mức cho vay với HSSV để đáp ứng nhu cầu của các em trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Bài và ảnh Tư Hai

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác