Phong Thổ với công tác giảm nghèo
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, Bùi Văn Sơn cho biết, có được kết quả trong lĩnh vực giảm nghèo là do sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự thống nhất cao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành tham gia Ban chỉ đạo giảm nghèo và giải quyết việc làm của huyện.
Đi đôi với hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, phổ biến kiến thức sản xuất, là thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, tăng cường cho vay vốn chính sách đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Theo phương châm “giúp cần câu thay vì xâu cá”, NHCSXH huyện Phong Thổ căn cứ vào quyết định công nhận đối tượng được thụ hưởng hàng năm, xây dựng các tiểu dự án vốn tín dụng chính sách, đồng thời phối hợp với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác, chủ động triển khai kế hoạch huy động vốn, tổ chức tập huấn cho các thành viên Ban giảm nghèo xã và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn về quy định thủ tục vay vốn như bình xét công khai, dân chủ; hướng dẫn đôn đốc kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay và xử lý kịp thời các trường hợp nợ quá hạn. Đặc biệt, từ đầu năm 2015 đến nay, NHCSXH đã làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo huyện thành lập Ban chỉ đạo đổi mới công tác tín dụng chính sách theo tinh thần Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng để thống nhất phân bổ nguồn vốn, thu hồi nợ quá hạn phát sinh, tạo bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng tín dụng và nâng cao nhận thức của các cấp các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên ở cơ sở đối với tín dụng chính sách xã hội.
Từ những cố gắng trên, doanh số cho vay năm 2016 của NHCSXH huyện Phong Thổ đạt trên 60 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng so với năm 2015, nâng tổng dư nợ lên 240 tỷ đồng.
Nguồn vốn chính sách đã giúp đỡ trên 13.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc Dao, Mông, Thái, Hà Nhì… ở tất cả 28 xã, thị trấn trên địa bàn chủ động đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi; nhiều gia đình đã thoát nghèo, từng bước cải thiện đời sống
Gia đình chị Kà Thị Thu ở bản Khuổi Bảo, xã Mường So được vay vốn đã đẩy mạnh khai hoang trồng cao su, nuôi lợn nái, bò sinh sản. Chị Thu chia sẻ: “Năm 2013 được vay 30 triệu đồng, tôi đã sử dụng mua giống cây, con tốt, làm chuồng trại kiến cố, phát triển trồng trọt, chăn nuôi và trả được hết nợ. Giữa năm ngoái, thông qua Hội Phụ nữ, gia đình tôi được vay tiếp 50 triệu đồng nguồn vốn hộ mới thoát nghèo để mở rộng chăn nuôi gia súc theo phương pháp bán công nghiệp. Hiện tại kinh tế nhà tôi đã khá hơn, con cái cũng yên tâm về thành phố học đại học”.
Phó Chủ tịch huyện Bùi Văn Sơn cho biết thêm, chương trình giảm nghèo ở huyện Phong Thổ đã có bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là nhờ tín dụng chính sách hỗ trợ đắc lực việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vât nuôi, xóa bỏ nhà tạm bợ, làm nhà ở vững chắc. Từ đó đã tạo ra nhiều sản phẩm nông sản hàng hóa, việc làm cho người dân; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện hơn. Trong thời gian tới, huyện Phong Thổ tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo trong đó vai trò của NHCSXH là rất quan trọng để đời sống của đồng bào dân tộc không ngừng được nâng cao.
Bài và ảnh Đức Nghiêm
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách nơi địa đầu Tổ quốc
- » Nam Đông thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng
- » Giấc mơ làm chủ trang trại đã thành sự thực
- » Lâm Đồng giảm nghèo từ tín dụng chính sách
- » Phủ màu xanh no ấm trên xã Yên Nhân
- » Tiếp sức cho hộ nghèo Trạm Tấu
- » Chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi
- » Cho vay giải quyết việc làm để phát triển làng nghề
- » Khi Chủ tịch xã cùng làm tín dụng chính sách
- » Hiệu quả từ chương trình cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở