Ở đâu có người nghèo, ở đó có NHCSXH
“Ngân hàng lưu động” của người nghèo
Mới mờ sáng Chủ nhật mà cán bộ tín dụng đã có mặt tại NHCSXH huyện để chuẩn bị đầy đủ thiết bị để đến phục vụ phiên giao dịch với người dân. Tổ trưởng Tổ giao dịch xã Phan Thị Hiền của NHCSXH huyện tâm sự: “Theo quy định, NHCSXH tổ chức phiên giao dịch với người dân tại xã vào một ngày cố định hằng tháng. Ngày hôm nay đến hẹn là chúng tôi về. Trừ ngày Tết, còn các phiên giao dịch không bao giờ bị chuyển ngày chưa nói đến hủy dù là ngày lễ, thứ bẩy hay chủ nhật. Anh em làm ở NHCSXH huyện, dù không phải địa bàn phụ trách cũng là thành viên của các Tổ giao dịch khác vì thế cũng chẳng mấy khi có ngày nghỉ bên gia đình”.
Mới 7h30’ mà Điểm giao dịch xã đã trở nên nhộn nhịp, cán bộ ngân hàng, người kiểm tra lại lần cuối máy móc thiết bị, người tranh thủ thời gian trao đổi với các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn, hay giải đáp những thắc mắc cùng bà con trước phiên giao dịch.
Gặp chị KpảH Phe ở thôn Plei Djriết, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh bên trong Hội trường trụ sở UBND xã, chị vồn vã kể chị được các cán bộ của NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay vốn 50 triệu đồng. Gia đình trước kia khó khăn lắm, đất thì cũng có một ít nhưng vốn cũng chẳng đủ nói gì tích lũy. May có nguồn vốn “mồi” này, chị đã trồng thành công được 05 sào hồ tiêu và mua 02 con bò cái về nuôi. “Có cán bộ ngân hàng về tận nơi nên mình không phải mất nhiều thời gian, chi phí đi lại để làm hồ sơ, nhận vốn, nộp lãi, gửi tiết kiệm cũng như trả gốc. Không chỉ vậy, mình còn được hướng dẫn cách sử dụng đồng vốn hiệu quả”, chị KpảH Phe chia sẻ.
Trong vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hrãi Dõng 1, xã Nhơn Hòa, chị Kpă HThứi càng cảm nhận rõ hơn việc NHCSXH tổ chức phiên giao dịch tại xã. “NHCSXH đưa giao dịch về xã đã giúp 58 tổ viên trong tổ chúng tôi các khâu, từ bình xét, làm hồ sơ đến thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm, đôn đốc trả nợ diễn ra nhanh chóng, kịp thời. Trước kia, nếu hằng tháng không có những cán bộ áo hồng cánh sen về giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã thì mỗi tháng ít nhất hai lần tôi phải ra trung tâm huyện để họp giao ban và nộp hồ sơ, tiền lãi, tiền tiết kiệm của các tổ viên cho ngân hàng”, chị Kpă HThứi kể. Ngoài ra, Tổ trưởng không được phép thu nợ gốc nên các thành viên trong tổ phải ra tận trung tâm huyện để trả nợ khi đến hạn. Trong khi đó, đường từ thôn ra trung tâm huyện xa nên việc đi lại bất tiện và tốn kém. “Từ khi ngân hàng về giao dịch tại đây, bà con DTTS chúng tôi đã tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí và công sức đi lại”, Tổ trưởng Kpă HThứi bày tỏ chân thành khi được gặp Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng tại buổi kiểm tra vốn vay ở cơ sở.
Tổ trưởng Kpă HThứi còn mạnh dạn đề nghị NHCSXH xem xét báo cáo Chính phủ nâng mức kịp thời cho vay hộ nghèo và tăng thêm nguồn vốn giải quyết việc làm cho bà con DTTS trong thôn nói riêng, cả nước nói chung.
Thông tin với Tổng Giám đốc NHCSXH ngay tại phiên giao dịch, Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa, Nguyễn Hữu Dương cho biết, đời sống đồng bào DTTS tại các thôn, làng còn rất khó khăn. Do đó, việc NHCSXH đặt Điểm giao dịch cố định tại thị trấn đã tạo thuận lợi cho bà con trong quá trình giao dịch. Đặc biệt, qua hoạt động của Điểm giao dịch, người dân được gặp gỡ, chia sẻ, hướng dẫn cách sử dụng vốn, kinh nghiệm sản xuất nên đã phát huy được hiệu quả vốn vay. Tính đến nay, toàn thị trấn có 1.049 hộ vay với dư nợ gần 37 tỷ đồng. “Bản thân tôi đang là thành viên Ban đại diện HĐQT của NHCSXH huyện nên càng thấy trách nhiệm vô cùng lớn lao này”, Chủ tịch Nguyễn Hữu Dương cho biết.
Ở đâu có người nghèo, ở đó có NHCSXH
Báo cáo nhanh với Tổng Giám đốc NHCSXH ngay tại Điểm giao dịch xã, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Chư Pưh (Gia Lai) Ngô Trần Hậu cho biết: “Toàn huyện có trên 8.000 hộ được vay nguồn vốn ưu đãi với tổng dư nợ là 232 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn TW cấp để cho vay, thời gian qua đơn vị còn huy động được gần 20 tỷ đồng vốn nhàn rỗi trong nhân dân”.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Chư Pưh cho biết thêm: Toàn huyện có 09 xã thì NHCSXH đã “phủ sóng” 09 Điểm giao dịch. Hằng tháng, vào những ngày cố định, các Tổ giao dịch của đơn vị gồm Tổ trưởng và 03 giao dịch viên được trang bị đầy đủ thiết bị để về UBND các xã, thị trấn giao dịch với người dân. Đơn vị cũng niêm yết công khai, rõ ràng các chế độ, chính sách, quy định của ngân hàng, lãi suất cho vay tại trụ sở UBND xã, thị trấn để người dân nắm rõ. Đồng thời, đơn vị cử cán bộ tín dụng và Tổ trưởng đến từng gia đình để thông báo cũng như đôn đốc các hộ đóng lãi, gửi tiết kiệm. Riêng đối với những hộ đã đến hạn trả nợ gốc sẽ được thông báo trước ngày giao dịch từ 2 đến 3 tháng để chuẩn bị.
Cũng theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Chư Pưh Ngô Trần Hậu, sau khi giao dịch với người dân, Tổ giao dịch xã tổ chức họp giao ban với chính quyền, các đơn vị nhận ủy thác và Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn để hướng dẫn nghiệp vụ sổ sách, triển khai các chủ trương, chính sách mới, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến vấn đề thu nợ gốc, lãi… Ngoài ra, phiên giao dịch nào có tổng thu nợ cao trên 1 tỷ đồng, đơn vị sẽ xin ý kiến của lãnh đạo cấp trên mở phiên giao dịch phụ sau đó từ 3 đến 5 ngày để giải ngân lại nhằm giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi sớm nhất. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát lại các đối tượng trên địa bàn còn nằm trong diện nghèo có nhu cầu vay vốn; đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch tại xã để tạo thuận lợi cho người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi”, ông Ngô Trần Hậu khẳng định.
Tăng cường kiểm tra giám sát, làm tốt tuyên truyền
Tạm biệt các cán bộ Tổ giao dịch xã của NHCSXH huyện khi họ vẫn đang mải miết làm nốt công việc khi đã tới giờ ngọ, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng tới thăm và làm việc với Lãnh đạo chủ chốt chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai và 16 Giám đốc Phòng giao dịch cấp huyện.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng và các thành viên Đoàn công tác TW đã biểu dương, đánh giá cao những kết quả hoạt động trong suốt 16 năm qua NHCSXH tỉnh Gia Lai chuyển tải kịp thời, an toàn 4.167 tỷ đồng tới 139.496 hộ nghèo và đồng bào DTTS ở khắp các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, biên giới trên địa bàn. Điều này khẳng định 197 cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn đơn vị đã bền bỉ, đoàn kết, thống nhất cao từ hành động đến thực tiễn.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc nhắc nhở “Có được thành quả hôm nay, chúng ta không được thỏa mãn, mà đơn vị phải tiếp tục duy trì nề nếp đã có, giữ vững đoàn kết nội bộ, tạo không khí vui tươi đầm ấm trong mỗi cán bộ, thực hiện công khai dân chủ từ việc phân bổ nguồn lực đến công tác thi đua khen thưởng… Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc nhấn mạnh phải thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay; phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở rà soát đối tượng cho vay, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con về nhu cầu vốn ra sao để tiếp tục đầu tư cho hiệu quả, đúng mục đích.
“Tín dụng chính sách phải đẩy lùi bằng được “tín dụng đen” ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và không được để một hộ nghèo nào đủ điều kiện mà không được vay vốn”, Tổng Giám đốc chỉ đạo.
Tổng Giám đốc chia sẻ thêm từ thực tiễn kiểm tra nhiều Điểm giao dịch xã trên địa bàn, gặp gỡ và tiếp xúc với bà con, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tại địa phương, đa phần bà con đề nghị nâng mức cho vay một số chương trình và bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cho địa phương. “Những kiến nghị đề xuất này rất phù hợp với thực tế hiện nay, tới đây HĐQT NHCSXH sẽ họp và trình Chính phủ xem xét nâng mức cho vay. Do vậy, chi nhánh cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, đặc biệt là thông tin đầy đủ, chính xác các chương trình mới tới mọi tầng lớp nhân dân”, Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc thông tin, năm 2019 là năm thực hiện sơ kết 05 năm Chị thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đố với tín dụng chính sách xã hội, vì vậy chi nhánh tỉnh Gia Lai tiếp tục bám sát, tham mưu kịp thời, hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 40 chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn và thực hiện tốt Kế hoạch sơ kết.
Chia tay Gia Lai trước thềm năm mới 2019, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng chúc toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai, hệ thống NHCSXH có sức khỏe dồi dào để tiếp tục cống hiến, vì hạnh phúc người nghèo và các đối tượng chính sách khác hòa cùng công cuộc của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh.
Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh Gia Lai, năm 2018 đã giúp cho 9.500 lượt hộ nghèo, 7.846 lượt hộ cận nghèo và 8.707 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn để SXKD, giải quyết việc làm cho 2.943 lao động, tạo điều kiện cho 3.134 HSSV vay vốn đi học, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 353 hộ nghèo và cải tạo 23.999 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia,… Tín dụng chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai đến nay còn 10,04%, giảm 3,3% so với năm 2017. |
Bài và ảnh Việt Hải
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Tín dụng chính sách tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- » Kon Tum: Lồng ghép chặt chẽ, đồng bộ nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG
- » Chúc mừng Hội CCB nhân ngày truyền thống
- » Hưng Yên phát huy hiệu quả tín dụng chính sách
- » Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “tam nông”
- » Trao thưởng cho các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc về tam nông
- » Đảng bộ NHCSXH TW tham dự Hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XII
- » Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm nhà ở của CHLB Đức”
- » Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và sự lớn mạnh của NHCSXH