Những điển hình vay vốn chính sách làm kinh tế giỏi trên vùng Tây Bắc

16/12/2016
(VBSP News) Những năm qua, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, các hội, đoàn thể trong cả nước nói chung, trên vùng Tây Bắc nói riêng đã đẩy mạnh và đạt kết quả thiết thực. Việc khai thác, quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi thông qua hoạt động ủy thác với NHCSXH đã hỗ trợ cho hội viên, nhất là hội viên nghèo vay được vốn thuận lợi, chủ động đầu tư SXKD, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần làm đổi mới bộ mặt nông thôn.
Ông Lò Văn Lả (áo đen) đang giới thiệu mô hình chăn nuôi bò của gia đình cho cán bộ NHCSXH huyện Thuận Châu và cán bộ Hội CCB

Ông Lò Văn Lả (áo đen) đang giới thiệu mô hình chăn nuôi bò của gia đình cho cán bộ NHCSXH huyện Thuận Châu và cán bộ Hội CCB

Đi lên từ phát triển chăn nuôi gia súc

Ở bản người Thái Nà Xa, xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu (Sơn La) ai cũng biết ông Lò Văn Lả, sinh năm 1960 đã nỗ lực vượt khó, tập trung phát triển nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao và được tôn vinh là 1 trong 6 tấm gương điển hình về sử dụng nguồn vốn vay chính sách để thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng được báo cáo tại Hội nghị tổng kết 5 năm tín dụng chính sách vùng Tây Bắc giai đoạn 2011 - 2015.

Trước đây, cuộc sống của ông Lả gặp rất nhiều khó khăn, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình hoàn toàn trông chờ vào thu nhập bấp bênh từ 1.500m2 ruộng và 3.200m2 đất rẫy. Với nghị lực của “bộ đội Cụ Hồ”, không khuất phục trước đói nghèo, ông Lả dành thời gian đọc sách báo, xem các chương trình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và mạnh dạn vay 20 triệu đồng của NHCSXH huyện để tập trung nuôi bò sinh sản. Do áp dụng đúng KHKT và sử dụng đồng vốn vay vào chăn nuôi đã đem lại kết quả rõ rệt và cho gia đình thu nhập tăng qua các năm.

3 năm trở lại đây, nhờ nguồn vốn chính sách được vay tăng cả số lượng và số chương trình tín dụng cùng với số tiền tích luỹ được, ông Lả đã mở rộng cơ sở chăn nuôi đồng thời chăm lo chu đáo việc học hành cho con cái. Riêng việc nuôi bò, trung bình mỗi năm gia đình nuôi từ 3 đến 4 lứa, mỗi lứa nuôi 2 - 5 con, chủ yếu nuôi vỗ béo, lãi nhanh 2 - 4 triệu đồng/con. Cuối năm 2015, thu nhập từ chăn nuôi bò, lợn, dê, cá, đạt gần 150 triệu đồng. Cùng với việc các con tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định đã giúp ông trả hết nợ cho ngân hàng, làm mới 7 gian nhà gỗ kiên cố, mua đầy đủ đồ dùng, tiện nghi phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong gia đình.

Cuộc sống ổn định, ông Lả và gia đình tiếp tục chăn nuôi theo mô hình trang trại, còn tận tình giúp đỡ các hộ nghèo trong bản làng bằng cách cho vay tiền, con giống không tính lãi, hướng dẫn cách thức sử dụng vốn vay chính sách và kỹ thuật phát triển chăn nuôi.

Anh Diện thoát nghèo từ nguồn vốn vay chính sách

Từ một hộ nghèo không có vốn sản xuất, nhờ Hội Nông dân xã giúp đỡ và vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện, gia đình anh đã có đàn trâu 8 con, đàn dê 30 con, xây dựng nhà ở khang trang, mở cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Đó là hội viên nông dân đạt danh hiệu thi đua SXKD giỏi Hà Quang Diện, người dân tộc Tày ở thôn Vực Tuần 1, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Anh Hà Quang Diện chăm sóc đàn trâu của gia đình

Anh Hà Quang Diện chăm sóc đàn trâu của gia đình

Những năm trước đây nhà anh Diện rất nghèo, lại thiếu vốn, nhà có vợ chồng và 3 đứa con nhỏ cùng mẹ già yếu, cuộc sống muôn vàn khó khăn.

Không cam chịu cảnh nghèo túng, sau khi tìm hiểu những lợi thế của địa phương, anh Diện nhận thấy ở đây núi rừng có nhiều loại lá cây phù hợp với việc nuôi trâu, vì vậy, năm 2008 anh bán 1 con trâu kéo và vay 10 triệu đồng từ NHCSXH huyện Văn Chấn. Anh Diện đến chợ thị trấn Mù Cang Chải mua 2 con trâu sinh sản, đồng thời cải tạo hệ thống chuồng trại cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông… Hàng ngày vợ chồng anh thay nhau lên rừng hái lá, cắt cỏ và tận dụng diện tích nương rẫy trồng cỏ voi. Trâu nuôi nhốt chuồng được chăm sóc cẩn thận, phòng trị bệnh thường xuyên từ 2 con đến nay đàn trâu của gia đình đã phát triển 8 con, trong đó quá nửa là trâu nuôi theo phương thức nhốt chuồng vỗ béo. Mỗi năm anh Diện bán ra thị trường từ 1 đến 2 con trâu, thu về 60 - 80 triệu đồng.

Không những thoát nghèo từ nuôi trâu mà gia đình anh còn có tiếng trong huyện về phát triển mô hình kinh tế tổng hợp với chăn nuôi các loại trâu, dê, lợn, gà, mở cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và xưởng chế biến chè sạch, tổng thu nhập hàng năm gần 200 triệu đồng.

Anh Diện luôn nêu cao tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái trong sản xuất, giúp đỡ một số hộ nghèo về cách thức làm ăn để nâng cao đời sống. Với những thành tích đạt được, gia đình anh nhiều năm liền được công nhận là điển hình sử dụng vốn vay chính sách hiệu quả.

Bài và ảnh Quang Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác