NHCSXH TP Đà Nẵng giúp dân làm giàu

21/12/2016
(VBSP News) Hoạt động ở một địa bàn thành phố trực thuộc TW đang có tiếng vang về sự “chuyển động, cất cánh”, lại chỉ có 8 quận, huyện và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chưa đến 8% nhưng NHCSXH TP Đà Nẵng đã tìm cho mình cách đi phù hợp vừa đảm bảo tạo lập, tăng trưởng được nguồn vốn, vừa tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước và địa phương.
Vay 30 triệu đồng của NHCSXH, gia đình bà Phạm Thị Thu ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang nuôi bò hiệu quả

Vay 30 triệu đồng của NHCSXH, gia đình bà Phạm Thị Thu ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang nuôi bò hiệu quả

Đến nay, tổng nguồn vốn ưu đãi NHCSXH TP Đà Nẵng đạt trên 1.500 tỷ đồng, tăng 150 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó phải kể đến nguồn vốn huy động từ ngân sách địa phương là 179 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12% tổng nguồn vốn và tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,5% tổng dư nợ.

Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH TP Đà Nẵng, Đoàn Ngọc Chung cho biết, có được sự tăng trưởng nguồn vốn này trước hết phải kể đến tác động mạnh mẽ từ Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Thời gian qua, NHCSXH thành phố đã tích cực tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và các ban ngành thực sự quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách. Ngay sau khi lãnh đạo thành phố ban hành văn bản chỉ đạo và Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của Đảng, UBND thành phố đã trích ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH trên 80 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố tập trung rà soát các nguồn vốn ưu đãi uỷ thác đang phân tán rải rác ở một số cơ quan đoàn thể để tập trung vào một đầu mối là NHCSXH tiến hành cho vay các đối tượng đặc thù trên địa bàn như hộ nghèo đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, các hộ dân di dời, giải tỏa mặt bằng… cùng với số tiền gần 4 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi tiêu ngân sách của UBND các quận, huyện. Tính đến nay ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay là 179 tỷ đồng.

Được các cấp, các ngành từ TW đến địa phương tin tưởng giao cho nguồn vốn khá lớn, tập thể cán bộ, viên chức và người lao động NHCSXH TP Đà Nẵng có thêm sức mạnh, đoàn kết vượt mọi khó khăn thách thức, chuyển tải kịp thời vốn ưu đãi về tận xã, phường khó khăn, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Song song với việc bám sát cơ sở, phối hợp với chính quyền, Ban giảm nghèo xã, phường tiến hành rà soát, thống kê chính xác, lập danh sách đầy đủ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước, NHCSXH các quận, huyện trên địa bàn phối hợp với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện toàn thành phố Đà Nẵng có 1.620 tổ đạt loại tốt, 203 đạt loại khá, chiếm 96% tổng số Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đây là cách làm cho đồng vốn được người dân sử dụng đúng mục đích, hiệu quả vào SXKD, thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Một trong số điển hình về tác dụng, vai trò, “cầu nối” dẫn vốn ưu đãi ở TP Đà Nẵng là Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Theo Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Vũ Thị Ngọc Trinh kể, từ đầu năm 2016, nhờ NHCSXH huyện Hòa Vang giúp đỡ, hướng dẫn Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn đã được củng cố theo hướng liền canh liền cư, có 52 hộ vay gần 1,6 tỷ đồng. Việc quan tâm hàng đầu của tổ là khâu bình xét dân chủ, công khai cho các hộ vay vốn dưới sự giám sát, chứng kiến của Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác mặt trận. Hiện tượng nể nang, xuề xòa hay vay ké, vay hộ dẫn đến mất đoàn kết, không công bằng chưa bao giờ xảy ra. Mỗi lần họp các tổ viên còn có cả cán bộ ngân hàng, kỹ sư nông nghiệp tới dự và phổ biến cách thức, kinh nghiệm sử dụng vốn vay ưu đãi với đưa tiến bộ KHKT vào đồng ruộng. Ngoài việc bình xét cho vay, tổ có trách nhiệm đôn đốc người vay sử dụng tiền vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn, do vậy liên tục mấy năm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Phú Thượng không có hộ vay để nợ quá hạn và lãi chậm trả.

Được biết, ở thôn Phú Thượng ngày nay có nhiều hộ dân sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát cảnh nghèo khó, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Tiêu biểu là gia đình bà Phạm Thị Thu, khởi đầu từ năm 2013, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, được vay 30 triệu đồng hộ nghèo đã đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau thời gian làm tốt khâu chăm sóc, phòng bệnh, chuồng bò của gia đình bà đã có đến 4 con, bao gồm 1 con bò mẹ, 3 con bê khỏe mạnh. Cơ ngơi chăn nuôi này giúp gia đình bà có mức sống ổn định và sớm thoát nghèo, trả hết nợ cho ngân hàng.

Còn ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, nơi có 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động đạt loại khá và tốt đã phát huy vai trò “cánh tay nối dài”của NHCSXH, từ khâu bình xét cho vay đến giám sát sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay thực hiện trả lãi đều đặn hàng tháng và trả nợ gốc đúng hạn. Cùng với đó các Tổ tiết kiệm và vay vốn chú trọng vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm. Từ vài ba hộ gửi số tiền ít ỏi ban đầu, nay hầu hết các gia đình làm nghề nông, tiểu thủ công nghiệp, hay dịch vụ buôn bán đều tham gia phong trào gửi tiền tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn với mức gửi tối đa 100 nghìn đồng/tháng/hộ, nâng số dư gửi tiền tiết kiệm dành cho người nghèo là trên 1 tỷ đồng. Nhờ chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn nên nhiều hộ nghèo ở phường Hòa Xuân đã sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, dịch vụ buôn bán nhỏ, giải quyết việc làm…

Có thể nói, ngoài nỗ lực của NHCSXH cùng với sự quan tâm sâu sát của các cấp uỷ, chính quyền và việc phát huy trách nhiệm của các đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn ở TP Đà Nẵng, nguồn vốn tín dụng chính sách đã “phủ sóng” khắp địa bàn tại 56 xã, phường.

Từ nguồn lực của TW cùng các chính sách hỗ trợ, nguồn lực khác của địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần làm cho TP Đà Nẵng hoàn thành Đề án giảm nghèo trước thời hạn 2 năm. Trong năm 2016, toàn thành phố đã có 15.861 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi, 1.564 người có việc làm mới, 2.610 gia đình ở nông thôn xây dựng được công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn, 1.806 HSSV có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập; đặc biệt nguồn vốn ưu đãi còn chung tay, góp sức đưa các xã thuộc huyện Hòa Vang đạt chuẩn nông thôn mới.

Thời gian tới, NHCSXH TP Đà Nẵng cũng đang tập trung tăng trưởng nguồn vốn, duy trì nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời bám sát chỉ đạo của Trung ương, cấp uỷ, chính quyền địa phương, phấn đấu làm tròn vai trò là công cụ đắc lực trong giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại một trung tâm chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh lớn nhất khu vực duyên hải miền Trung.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác