Nghiệm thu đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đối với các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam”

08/06/2023
(VBSP News) Với những kết quả nghiên cứu, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp chi nhánh “Giải pháp nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đối với các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam”, do Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam Trần Thị Minh làm chủ nhiệm vừa được Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học NHCSXH xếp loại Giỏi. Tham dự buổi nghiệm thu có Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu NHCSXH cùng các ủy viên Hội đồng nghiệm thu và đại diện các Ban CMNV tại Hội sở chính, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm CNTT.
image002

Quang cảnh buổi nghiệm thu tại điểm cầu Hội sở chính

Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là công tác giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ người dân 9 huyện miền núi (Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức và Nông Sơn) có đủ vốn để thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại 9 huyện miền núi đến hết năm 2022 đạt 2.601.633 triệu đồng, chiếm hơn 40% tổng nguồn vốn toàn chi nhánh, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 9,43%. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, nguồn vốn ngân sách địa phương tăng từ 83.397 triệu đồng năm 2019 lên 156.956 triệu đồng năm 2022. Doanh số cho vay giai đoạn 2020 - 2022 đạt 2.194.322 triệu đồng; tổng dư nợ đạt 2.599.120 triệu đồng, với 48.673 lượt hộ vay vốn, mức cho vay bình quân 45 triệu đồng/hộ,

Nguồn vốn chính sách cơ bản đáp ứng đầy đủ, kịp thời, góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo tại 9 huyện miền núi, từ 40,85% năm 2016 xuống còn 18,11% năm 2020, giảm bình quân 6,5%/năm; theo chuẩn nghèo đa chiều mới, năm 2021 từ 30,95% xuống 26,64% năm 2022. Qua đó, thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới góp phần bảo đảm an sinh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tín dụng chính sách xã hội tại 9 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam có một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm như: việc sử dụng vốn vay ở một số đối tượng khách hàng chưa hiệu quả, nhất là đối với hộ đồng bào DTTS; công tác chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với tín dụng chính sách chưa có sự gắn kết với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là tại cấp xã; chưa thật sự gắn tín dụng chính sách với việc hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư;…

Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu, phân tích bằng các phương pháp khảo sát, điều tra, thu thập số liệu cụ thể để đưa ra những vấn đề chung về tín dụng chính sách xã hội và hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đối với các huyện miền núi; đi sâu phân tích đánh giá thực trạng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đối với các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Từ đó, đánh giá những mặt được, những tồn tại hạn chế, đồng thời chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó. Đây là căn cứ để đề xuất 11 giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách của chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam đối với các huyện miền núi.

image004

Các đại biểu tại điểm cầu Quảng Nam chúc mừng nhóm nghiên cứu

Ghi nhận và biểu dương những nội dung trong đề tài đã được nhóm nghiên cứu trình bày, Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cho biết: Mặc dù, còn một số điểm hạn chế nhưng đề tài là một công trình nghiên cứu khoa học độc lập, nghiêm túc. Việc nghiên cứu đề tài có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, góp phần giảm nghèo bền vững nhất là đồng bào DTTS tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030. Các giải pháp trong Đề tài nghiên cứu đều dựa trên cơ sở giải quyết các tồn tại, hạn chế trong công tác triển khai thực hiện tín dụng chính sách trong giai đoạn 2020 - 2022, phát huy những kết quả đạt được, kết hợp với những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động tín dụng chính sách của Trung ương và của tỉnh cũng như định hướng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2030.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét để hoàn thiện kết quả nghiên cứu của đề tài. Đề tài đã đạt được Hội đồng Khoa học NHCSXH chấm điểm và đánh giá xếp loại Giỏi.

PV

Các tin bài khác