Lâm Đồng tập trung và ưu tiên đầu tư vốn ưu đãi

01/10/2014
(VBSP News) Lâm Đồng là tỉnh thuộc phía Nam khu vực Tây Nguyên với 147 xã, phường, thị trấn, trong đó có 73 xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn, vào thời điểm năm 2013 còn gần 20 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng những năm qua, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực vượt khó, tập trung huy động các nguồn lực tài chính, tạo lập được nguồn vốn khá lớn để chủ động triển khai 10 chương trình tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Các chương trình tín dụng ưu đãi được gắn liền với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và giải quyết việc làm tại địa phương, trong đó ưu tiên tăng trưởng hàng năm cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và 117 xã xây dựng nông thôn mới.
Các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng kiểm tra sử dụng vốn vay của các hộ dân

Các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng kiểm tra sử dụng vốn vay của các hộ dân

Thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã chuyển hơn 2.135 tỷ đồng cho 102 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay. Hộ vay vốn được tiếp cận vốn ngay tại Điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn. Cùng với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, bà con còn được cán bộ tín dụng hướng dẫn tận tình chu đáo và miễn toàn bộ chi phí khi lập hồ sơ vay vốn. Nhờ vậy, cùng với các chương trình kinh tế khác, chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2 - 2,5%, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Tiêu biểu là ở huyện Đam Rông, huyện nghèo không chỉ của tỉnh Lâm Đồng mà còn nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, trong những năm qua được NHCSXH đầu tư 10 chương trình tín dụng ưu đãi với trên 131 tỷ đồng và 5.850 hộ hiện còn dư nợ, đang có bước chuyển biến toàn diện nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 51,8% thời điểm năm 2008, xuống còn 13,1% cuối năm 2013. Với đà này, chắc chắn năm 2015 tới đây, Đam Rông, thoát khỏi danh sách huyện nghèo, đạt mục tiêu do tỉnh, huyện đề ra.

Cùng với các cấp, các ngành, NHCSXH vùng đất Nam Tây Nguyên này cũng đã mở hướng đầu tư trên 170 tỷ đồng với 9.710 hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nguồn vốn ưu đãi thâm canh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau sạch tại 70% diện tích đất canh tác của huyện Đơn Dương và phát triển đàn bò sữa với 6.000 con đã trở thành tâm điểm thực hiện giảm nghèo, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS.

Xã Tân Hội, huyện Đức Trọng từ khi được Trung ương chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới được hưởng nhiều nguồn đóng góp quan trọng để xây dựng kết cấu hạ tầng, cùng trên 18,7 tỷ đồng vốn ưu đãi để đầu tư mua sắm máy móc, vật tư thiết yếu phục vụ chuyển đổi sản xuất nông, lâm nghiệp mở rộng vườn cà phê, trồng rau màu, hoa quả theo tiêu chuẩn VietGAP, khôi phục ngành nghề mây tre đan. Theo đó 172 xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được NHCSXH ưu tiên vốn ưu đãi để có điều kiện sớm về đích các tiêu chí nông thôn mới.

Đạt được kết quả trên, có sự “chung sức, chung lòng” từ nhiều ngành, nhiều cấp. Trước hết có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là của các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác vay vốn ưu đãi.

Thông tin về hoạt động tín dụng chính sách được niêm yết công khai tại Điểm giao dịch xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng)

Thông tin về hoạt động tín dụng chính sách được niêm yết công khai tại Điểm giao dịch xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng)

Nguyên nhân nữa là nhờ mạng lưới hoạt động của NHCSXH rộng khắp từ tỉnh đến thôn xóm, buôn làng. Hiện toàn tỉnh có 147 Điểm giao dịch tại 100% số xã, phường với 2.986 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tính bình quân mỗi thôn, khối phố có từ 2 - 3 Tổ tiết kiệm và vay vốn nên đã góp phần không nhỏ trong việc triển khai các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi trên toàn địa bàn.

Trên cơ sở kế hoạch chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn mới, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã cụ thể hoá kế hoạch hoạt động hàng năm và 5 năm để tổ chức thực hiện các chương trình cho vay có hiệu quả; tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của Điểm giao dịch xã; phối hợp với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác nâng cao chất lượng vay vốn, sử dụng vốn, thu hồi nợ, lãi, thường xuyên củng cố mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể làm tốt công tác hướng dẫn sản xuất, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả, đồng thời nâng dần mức vay vốn ưu đãi nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo đủ vốn, đủ kiến thức để sử dụng vốn, áp dụng KHKT vào sản xuất đạt hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Bài và ảnh Trần Quốc Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác