Lạc Thủy phát huy hiệu quả tích cực từ thực hiện Chỉ thị số 40

10/11/2019
(VBSP News) Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, điều ghi nhận đầu tiên trên địa bàn huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đó là sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp. Hoạt động tín dụng chính sách đối với người nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn trên địa bàn huyện đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và xây dựng nông thôn mới.
Từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH, gia đình chị Nguyễn Thị Ly (đứng giữa) đầu tư chăn nuôi bò sinh sản

Từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH, gia đình chị Nguyễn Thị Ly (đứng giữa) đầu tư chăn nuôi bò sinh sản

Gia đình chị Nguyễn Thị Ly, ở khu 7, Thị trấn Chi Nê là hộ cận nghèo nhiều năm nay. Mặc dù chịu khó làm ăn nhưng để thoát nghèo bền vững, gia đình chị lại thiếu vốn để đầu tư phát triển SXKD. Khi NHCSXH có chủ trương nâng mức cho vay, gia đình chị đã được giải quyết cho vay 60 triệu đồng vốn chương trình cận nghèo đầu tư nuôi bò sinh sản, mở ra cơ hội phát triển kinh tế ổn định cuộc sống. Có thể nói, việc nâng mức cho vay là cứu cánh cho những hộ giâ đình ở Lạc Thủy.

Những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 40, NHCSXH huyện Lạc Thủy triển khai nhiều giải pháp để phát huy nguồn vốn vay trong các đối tượng được thụ hưởng. Qua đó, đã giúp đỡ người nghèo, đối tượng chính sách xã hội được tiếp cận nguồn vốn vay thuận tiện nhất, tạo động lực cho các đối tượng trong lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Với cơ chế tín dụng hiện hành, hầu hết các ch­ương trình tín dụng đều đ­ược ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, d­ư nợ ủy thác chiếm 99,6% tổng d­ư nợ. Các tổ chức hội nhận ủy thác đã thực hiện nghiêm túc việc bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường việc kiểm tra, giám sát đối với nguồn vốn từ NHCSXH giải ngân; trú trọng làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.Từ nguồn vốn vay này, các hộ gia đình đã có động lực lớn để triển khai các dự án về sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng cây ăn quả có hiệu quả cao. Trong quá trình cho các hộ vay vốn, các tổ chức hội còn tích cực vào cuộc trong việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn vốn vay đúng mục đích, đảm bảo phát huy hiệu quả.

Điểm nổi bật ngay sau khi Chỉ thị 40 ban hành, công tác lãnh đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội được thống nhất, UBND huyện quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến hết tháng 9/2019, tổng nguồn vốn từ ngân sách huyện uỷ thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội đạt trên 1,3 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân bổ kịp thời cho các đối tượng vay vốn, góp phần tiếp vốn cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đến hết tháng 9, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện Lạc Thủy đạt hơn 287 tỷ đồng với 7.663 hộ còn dư nợ. Doanh số cho vay từ đầu năm đạt 72 tỷ đồng với 1.878 lượt khách hàng vay vốn. Qua đánh giá, sau 5 năm thực hiện chỉ thị số 40, bám sát chỉ đạo của NHCSXH tỉnh, mục tiêu phát triển kinh tế, công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, NHCSXH huyện đã cho 12.356 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với doanh số cho vay gần 379 tỷ triệu đồng. Nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần quan trọng giúp 3.735 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, 1.352 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học; giải quyết việc làm cho 335 lao động; giúp các hộ dân sinh sống tại nông thôn xây dựng được 2.173 công trình nước sạch và 1.920 công trình vệ sinh, 252 hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở…

Đồng chí Dương Văn Hào - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy nhấn mạnh: Có thể thấy, chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã thực sự được quan tâm triển khai thực hiện và có hiệu quả tích cực. Tạo nên tác động mạnh mẽ đối với hoạt động tín dụng xã hội, qua đó góp phần tích cực trong việc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lạc Thủy.

Bài và ảnh Đinh Thắng

Các tin bài khác