Ở đâu có người nghèo, ở đó có NHCSXH
Như vậy, trong những năm qua, cùng với các đơn vị chuyên môn, tổ chức đoàn thể và hơn 8.500 cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn hệ thống NHCSXH, Chi bộ Ban Tín dụng người nghèo đã không chỉ coi công tác tín dụng là lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị mà còn phối hợp chặt chẽ với Lãnh đạo chuyên môn làm tốt vai trò tham mưu, đôn đốc các chi nhánh thực hiện kế hoạch tăng trưởng dư nợ hàng năm theo đúng kế hoạch được giao. Thực tế cho thấy với sự lớn mạnh về quy mô tín dụng từ 3 chương trình tín dụng khi NHCSXH mới thành lập (2003) đến nay đã có tới 18 chương trình tín dụng, dự án tín dụng dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác với dư nợ tăng nhanh từ hơn 8.000 tỷ đồng (2003) lên trên 85.000 tỷ đồng (6-2010), bình quân mỗi năm tăng trưởng 41% và gấp 9,6 lần so với ban đầu. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào 3 chương trình lớn là dư nợ cho vay hộ nghèo 42%, cho vay HSSV đạt 29% và cho vay hộ gia đình SXKDVKK 12%. Kết quả này là có công sức lao động sáng tạo của tập thể cán bộ, đảng viên Chi bộ Ban Tín dụng người nghèo thuộc NHCSXH, góp phần làm thay đổi diện mạo các vùng quê nghèo và giảm bớt khó khăn, nhọc nhằn cho hàng chục nghìn hộ đồng bào DTTS.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác cho vay theo phương thức ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở thành lập củng cố chất lượng hoạt động của 197 nghìn Tổ TK&VV trên cả nước, Chi bộ Ban Tín dụng người nghèo đã chú trọng công tác giáo dục, động viên mọi người trong đơn vị yên tâm, sẵn sàng đi công tác cơ sở, kiên trì xây dựng mạng lưới điểm giao dịch tại xã của NHCSXH. Tính đến nay, cả nước đã có 9.280 điểm giao dịch theo lịch cố định tại xã (bình quân 1,2 xã có một điểm giao dịch) để người dân đến giao dịch nhận tiền vay, trả nợ, trả lãi và tham gia gửi tiền tiết kiệm tại nơi cư trú. Nhờ điểm giao dịch tại xã mà các đối tượng phục vụ của NHCSXH không chỉ được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi về lãi suất của Chính phủ mà còn được gặp nhiều thuận lợi từ cách thức giao dịch của NHCSXH. Bây giờ, người vay không còn phải đi xa 30 - 40km để đến vay tiền của ngân hàng nữa mà ngược lại ngân hàng đã vượt đường xa, băng núi, trèo đèo đến với dân nghèo. Những hình ảnh đẹp đẽ ấy đã nói lên sự thành công về công tác tín dụng của NHCSXH.
Đóng góp vào thành công đó, cùng với kết quả của việc đổi Sổ vay vốn giảm thủ tục hành chính cho nhân dân và đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Chính phủ giao cho NHCSXH trong thời gian qua, phải kể đến sự đóng góp đáng kể của những người làm công tác tín dụng chính trị, mà trong đó: Chi bộ Ban Tín dụng người nghèo là hạt nhân lãnh đạo, giáo dục, động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên cống hiến lao động, trí tuệ hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho hệ thống NHCSXH trở thành động lực chính trong công cuộc XĐGN của đất nước. Chi bộ Ban Tín dụng người nghèo xứng đáng nhận danh hiệu tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Danh hiệu này đang tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, đảng viên Ban Tín dụng người nghèo vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên con đường phục vụ công cuộc XĐGN của đất nước.
CTV