Hướng tới kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2021): Hết lòng phục vụ nhân dân
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề 06 năm thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khẳng định: “Tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, tạo sinh kế, cải thiện thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và cải thiện các chiều thiếu hụt khác, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững”.
Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2020 về Dự án nghiên cứu hỗ trợ phát triển tài chính toàn diện cho Việt Nam cũng đánh giá: “NHCSXH là nhà cung cấp tài chính vi mô hàng đầu tại Việt Nam, hành trình phát triển của NHCSXH mang lại những kinh nghiệm và bài học quý giá cho các Chính phủ các nước khác”.
Các cán bộ NHCSXH luôn “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”
Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Có được những kết quả và thành tựu đó, ngoài tổng hợp của nhiều yếu tố, việc tăng cường, đẩy mạnh học tập và làm theo lời Bác luôn là nền tảng vững chắc.
Theo đó, Đảng bộ NHCSXH Trung ương đã tập trung lãnh đạo triển khai, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII của Đảng, đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các kỳ sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề của toàn Đảng bộ, hệ thống các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc hàng tháng gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị.
Nhờ đó, tại NHCSXH, mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên, một cán bộ dân vận vận dụng phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Công tác thông tin, tuyên truyền của NHCSXH trong giai đoạn vừa qua đã đạt được 03 mục tiêu chính.
Thứ nhất, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội về các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới nhiều hình thức.
Thứ hai, tuyên truyền đến khách hàng để nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của người nghèo, đối tượng chính sách trong việc tiếp cận và sử dụng các tín dụng chính sách xã hội và các dịch vụ tài chính của NHCSXH.
Thứ ba, góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Chính phủ, với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể hóa mục tiêu của Chính phủ “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thời gian qua, NHCSXH đã thực hiện tốt việc tiếp nhận, triển khai thêm nhiều chương trình tín dụng chính sách xã hội mới, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân 10%/năm. Cùng đó, chất lượng tín dụng cũng luôn được kiểm soát tốt. Ngân hàng cũng đặc biệt chú trọng nghiên cứu, từng bước hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ theo chuẩn mực ngân hàng hiện đại, nâng cao năng suất lao động, tạo nền tảng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người nghèo, đối tượng chính sách.
Với nhiều chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai, NHCSXH đảm bảo mục tiêu 100% hộ nghèo, đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Thông qua các chương trình tín dụng, NHCSXH đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu; tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng, phát triển hội viên; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống dưới 3% (năm 2020).
Bên cạnh công tác cho vay, NHCSXH cũng cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư phối hợp phổ biến kiến thức, chia sẻ cách thức làm ăn, cầm tay chỉ việc để đảm bảo đồng vốn được sử dụng hiệu quả nhất, đem lại lợi ích kinh tế cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Từ việc nắm bắt tâm tư, nguyên vọng của người dân, NHCSXH đã thực hiện cung cấp các sản phẩm dịch vụ theo hướng “Dân chủ công khai, dịch vụ tại nhà, giải ngân tại xã” thông qua mạng lưới hoạt động khắp cả nước, đến tận các xã, thôn, bản, làng.
Mô hình Điểm giao dịch xã của NHCSXH đã đến gần dân nhất, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân. Mô hình này đồng thời còn phát huy được quyền làm chủ của người dân, thể hiện qua việc nhân dân được tham gia giám sát hoạt động ủy thác, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Ngân hàng về tận cơ sở phục vụ khách hàng đã tạo nên mối quan hệ gần gũi giữa cán bộ, chính quyền, Đảng với người dân.
Bên cạnh đó, để phục vụ tối đa nhu cầu cho người nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH cũng tập trung nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ. Cùng với đó là việc đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ.
Thông qua việc triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng, NHCSXH đã đầu tư vốn tín dụng đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Từ đó, góp phần giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách; tác động trực tiếp, đẩy lùi, ngăn chặn tác động tiêu cực của “tín dụng đen” đến đời sống người dân khu vực nông thôn; góp phần tích cực, thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, vệ sinh môi trường, kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng và an ninh quốc gia…
Tính đến 31/12/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 226.197 tỷ đồng, với hơn 38 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Đến 31/12/2020, nợ quá hạn là 479 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,21%/tổng dư nợ.
Trong thời gian tới, Đảng bộ NHCSXH Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Đảng bộ cấp trên, tiếp tục tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngân hàng luôn kiên định với phương châm “Thấu hiểu lòng dân. Tận tâm phục vụ”. Sau đây là một số bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình hoạt động:
Một là, tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân ngày càng gắn bó, vì vậy mỗi cán bộ NHCSXH là một tuyên truyền viên, một cán bộ dân vận hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của dân, phục vụ tốt cho dân và quy tụ được lòng dân đối với Đảng, Nhà nước.
Hai là, tập trung huy động được các nguồn lực tài chính, nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Ba là, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào ở các vùng khó khăn; Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội, khai thác các chỉ tiêu giám sát từ xa đối với các chi nhánh trong toàn hệ thống được thực hiện hàng tháng qua đó chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống nhằm đảm bảo hoạt động minh bạch, công khai, đúng đối tượng, đúng chính sách nhằm củng cố vững chắc niềm tin của dân đối với hoạt động tín dụng chính sách.
Năm là, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm, đồng thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay trong học tập và làm theo Bác.
Sáu là, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ ngành Ngân hàng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và sâu rộng hơn nữa. Dựa vào nhân dân và báo chí để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động ngân hàng; tiếp tục “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
PV
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » NHCSXH hỗ trợ kịp thời phòng chống Covid-19
- » Hướng dẫn tham gia Cuộc thi trực tuyến “Cán bộ NHCSXH giỏi chuyên môn, hiểu biết pháp luật lao động, Luật Công đoàn”
- » Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân*
- » Ngành Ngân hàng - 70 năm một chặng đường vẻ vang
- » Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- » Thư chúc mừng của Thống đốc NHNN nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam
- » Dâng hương tưởng nhớ cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam
- » Tiếp tục tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại Tây Nam Bộ
- » Nêu gương phải trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả của cán bộ, đảng viên