Hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững
Giám đốc NHCSXH huyện Chư Sê Phạm Hũng Phúc dẫn chúng tôi đến với xã Bờ Ngoong, gặp anh Đinh Ngọc ở làng Puih. Được biết, cách đây 3 năm, anh được NHCSXH huyện cho vay 10 triệu đồng để đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau 3 năm chăn thả tốt, đến nay, gia đình anh đã có thêm 2 con bê, vừa rồi bán được giá, thu lời khá, giúp cho gia đình anh thoát nghèo, và đủ tiền trả nợ vay ngân hàng.
Rời Bơ Ngoong, chúng tôi còn trực tiếp “tai nghe mắt thấy” gương phụ nữ thoát nghèo chị Siu Mlong, 30 tuổi, dân tộc Ba Na, ở làng Krai, xã Ia - Blang. Những năm trước, gia đình chị Siu Mlang là một trong những hộ nghèo nhất làng. Dù có quỹ đất rộng, nhưng vì thiếu vốn, gia đình chị chỉ biết loay hoay với những giống cây ngắn ngày và mảnh vườn tạp, nên cuộc sống vẫn luẩn quẩn nhọc nhằn, nghèo khó.
Năm 2010, được sự giúp đỡ, vận động của chính quyền, Hội Phụ nữ địa phương, chị Siu Mlang đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi hộ nghèo của NHCSXH huyện Chư Sê. Từ 20 triệu đồng vốn vay ban đầu, chị mua cây giống, phân bón, đồng thời tập trung công sức cải tạo đất, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật đầu tư trồng mới 150 trụ hồ tiêu. Qua 4 năm lao động cần cù, áp dụng kỹ thuật tốt, bây giờ vườn tiêu của gia đình chị đã cho thu hoạch, đạt hơn 150 triệu đồng/năm. Không chỉ sớm hoàn thành việc nộp lãi, trả nợ đầy đủ với ngân hàng, chị còn sắm sửa thêm nhiều vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt, sản xuất của gia đình.
Ngoài chị Siu Mlong, nhiều hộ nông dân, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chư Sê đã biết cách sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, cùng với sự chăm chỉ lao động của bản thân, nên đã giảm nghèo rõ rệt. Một số hộ còn vươn lên làm giàu với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, đạt danh hiệu thi đua sản xuất giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
“Thường xuyên hàng năm, hàng quý, NHCSXH huyện phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể mở các lớp tập huấn về công tác tín dụng chính sách, củng cố hoạt động mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, lồng ghép việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi với công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đây chính là những “cầu nối” của NHCSXH góp phần chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến tận tay người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất”, Giám đốc NHCSXH huyện Chư Sê Phạm Hữu Phúc, cho biết.
Theo thống kê của NHCSXH huyện Chư Sê, hiện tại tổng dư nợ thông qua cho vay ủy thác từ các hội, đoàn thể đạt 160 tỷ đồng chiếm 99,2% với trên 7.200 hộ vay vốn; trong đó Hội Nông dân huyện đạt dư nợ cao nhất với hơn 56 tỷ đồng. Tuy dư nợ tăng cao, nhưng tỷ lệ nợ vẫn được kiểm soát tốt và lãi tồn đọng chiếm tỷ lệ dưới mức cho phép.
Trong thời gian tới, NHCSXH huyện Chư Sê đẩy mạnh công tác phối hợp cùng các tổ chức hội, đoàn thể của địa phương cho vay vốn ưu đãi đến tận nơi ở của các đối tượng được thụ hưởng, đặc biệt triển khai giải ngân theo quy định mới của Nhà nước về giảm lãi suất, tăng mức vay đối với các chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay chương trình NS&VSMTNT, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn, từ đó đầu tư mở rộng diện tích và quy mô sản xuất, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh Trần Đởng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cần Thơ đảm bảo đủ nguồn vốn vay cho HSSV năm học mới
- » 100% hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn sử dụng vốn đúng mục đích
- » Dựng nghiệp, mở nghề từ đồng vốn ưu đãi
- » Nghiên cứu thí điểm cho vay hộ mới thoát nghèo
- » Sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- » Kon Tum - những câu chuyện thoát nghèo như cổ tích
- » Giúp hộ cận nghèo phát triển kinh tế
- » Hà Tĩnh - ấm tình những ngôi nhà vượt lũ
- » Phú Thọ cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo
- » Những phát hiện mới trong chuyến đi thăm và làm việc tại NHCSXH của Đoàn Chính phủ Cộng hòa Mozambique