Hồng Lĩnh xóa nghèo bền vững
Bắt đầu từ xã nghèo nhất
Ngoài 5 phường, thị xã Hồng Lĩnh có một xã duy nhất là xã Thuận Lộc. Đây là xã thuần nông nghèo nhất, khó khăn nhất của thị xã, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nhưng do vùng chiêm trũng, thường xuyên xảy ra lũ lụt nên việc sản xuất rất bấp bênh. “Nhưng, đó là câu chuyện của hơn 10 năm trước!”, ông Đinh Văn Hồng khẳng đinh.
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Thuận Lộc có điểm xuất phát thấp, chỉ đạt 2/19 tiêu chí; hộ nghèo chiếm 87,08%; thu nhập bình quân đạt 10,5 triệu đồng/người/năm; cơ sở vật chất nghèo nàn. Những năm qua, được sự giúp đỡ của Thị ủy, UBND thị xã, Thuận Lộc đã từng bước vượt lên chính mình, cán đích xây dựng NTM vào năm 2019. Thu nhập bình quân tăng lên 36,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể còn 3,39%/năm.
Được tiếp cận với nguồn vốn chính sách của NHCSXH, cùng việc khai thác thế mạnh của địa phương có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, nhiều hộ đã phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại; kết hợp SXKD với làm dịch vụ hiệu quả cho thu nhập trên 3 tỷ đồng/năm.
Thông qua Hội Nông dân, bà Đinh Thị Lĩnh ở thôn Chùa được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Ngoài chăn nuôi lợn, gà, trồng cây ăn quả, gia đình bà còn đầu tư mua máy xay xát, kinh doanh lúa, gạo; mua máy làm đất, máy gặt, đập liên hoàn phục vụ sản xuất gia đình và làm dịch vụ. Nhờ đó, thu nhập bình quân của gia đình đạt hơn 100 triệu đồng/năm, đồng thời giải quyết việc làm cho 03 lao động địa phương. Phó chủ tịch UBND xã Thuận Lộc Nguyễn Huy Khuyến cho biết: Không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình, bà Lĩnh còn thường xuyên giúp đỡ, hướng dẫn chị em trong Tổ tiết kiệm và vay vốn cách làm ăn, phát triển sản xuất, chăn nuôi tăng thu nhập cho gia đình.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở tổ Trung Hậu, phường Trung Lương có nghề rèn truyền thống. Được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm, bà đã đầu tư mua máy búa, máy đập, máy rèn…Có công cụ tạo thêm việc làm, sản xuất ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường nguồn thu của gia đình tăng đáng kể; giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Chắp cánh cho tuổi trẻ
Giám đốc NHCSXH TX Hồng Lĩnh Trần Thị Bích Hà cho biết: Năm 2019, đơn vị đã triển khai 11 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt gần 94 tỷ đồng, tăng hơn 4,7 tỷ đồng so với đầu năm. Tập trung chủ yếu vào các chương trình, như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, NS&VSMTNT, xuất khẩu lao động.
Trong năm 2019, tín dụng chính sách đã tạo việc làm mới cho 147 lao động. Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; mà còn góp phần khôi phục, gìn giữ và phát triển các ngành nghề truyền thống, chắp cánh cho tuổi trẻ bay xa.
Về đến khối 3, phường Đức Thuận, nhắc đến gia đình ông Đặng Đức Dương và bà Nguyễn Thị Kim ai ai cũng khâm phục vì sử dụng vốn vay hiệu quả, cả nhà nổ lực vươn lên thoát nghèo. Tính đến nay, gia đình ông Dương đã có “thâm niên” hơn 10 năm vay vốn NHCSXH. Đến cuối năm 2019, cuốn sổ vay vốn của gia đình chỉ duy nhất trang cuối cùng còn trắng, ghi kín đặc các chương trình cho vay từ hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, đến NS&VSMTNT, SXKD vùng khó khăn, HSSV,…
Ông Dương cho biết: “Hai vợ chồng tôi nuôi 7 đứa con với 7 sào ruộng, không đủ ăn. Trước thì xe thồ, nay xe máy. Ngày ngày, tôi chở nông cụ đi khắp các huyện bán cho bà con, đổi lấy chè và rau về nhà, để vợ ra chợ bán hôm sau. Cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Nếu không có nguồn vốn vay từ NHCSXH thì gia đình tôi không biết đến bao giờ mới thoát được nghèo đói, nói gì đến chuyện học hành của các con. Ở đây, ai cũng biết khi 3 cô con gái đi học đại học, tất cả học phí gia đình tôi trong cả vào số tiền 104,4 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình cho vay HSSV của NHCSXH”.
Đến nay, dù đã ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Từ năm 2015 đến nay, 02 người con ra trường có việc làm ổn định, đã gửi tiền về gia đình trả nợ ngân hàng 78 triệu đồng, còn 30 triệu đồng cuối năm 2020, ông Dương sẽ trả hết nợ.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Các tin bài khác
- » Phụ nữ Yên Bái góp sức xây dựng NTM
- » Phòng lây lan dịch Covid-19, ai cần cách ly tại nhà?
- » Tín dụng chính sách - Điểm tựa nâng cao vị thế người Phụ nữ Việt Nam
- » Để người có thu nhập thấp an cư, lạc nghiệp
- » Cấp ủy quan tâm, người nghèo vay vốn hiệu quả
- » Giúp nông dân làm giàu
- » Dân ven đô thoát nghèo nhờ vốn ưu đãi
- » Có tiền đầu tư trồng nấm, nông dân nhanh thoát nghèo
- » Lục Yên chú trọng hoạt động ủy thác cho vay vốn
- » “Bàn đạp” cho phụ nữ thoát nghèo