Hội nghị giao ban hoạt động ủy thác năm 2020
Tới dự Hội nghị có Trưởng ban Kiểm soát NHCSXH Nguyễn Mạnh Tú; các Phó Tổng Giám đốc; Kế toán trưởng và các đơn vị của NHCSXH. Về phía 4 tổ chức chính trị - xã hội có Lãnh đạo các Ban chuyên môn, Qũy hỗ trợ phát triển và các cán bộ chuyên quản.
Trong năm 2020, NHCSXH đã tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và cấp ủy, chính quyền các cấp, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm huy động nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách, đồng thời tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; tuyên truyền về tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người sử dụng lao động và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Hỗ trợ người dân, người vay vốn bị rủi ro do mưa lũ tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, hạn hán xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long,… Hoạt động của NHCSXH đảm bảo an toàn, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự ổn định kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước.
Tính đến hết năm 2020, tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đạt trên 233 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 21,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2019; Tổng dư nợ đạt trên 226 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ được thực hiện theo phương thức ủy thác một số nội dung công việc thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội là trên 225 nghìn tỷ đồng (chiếm gần 99% tổng dư nợ của NHCSXH), với hơn 6,4 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng. Dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng: hộ nghèo hơn 30.900 tỷ đồng, hộ cận nghèo hơn 33.500 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo hơn 38.900 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn 39.900 tỷ đồng, giải quyết việc làm hơn 30.400 tỷ đồng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn hơn 26.550 tỷ đồng, HSSV hơn 10.460 tỷ đồng,…
Trong năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư SXKD, tạo việc làm cho hơn 361 nghìn lao động, trong đó giúp hơn 5,2 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 44,6 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giúp 207 doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho hơn 8,4 nghìn người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; Xây dựng gần 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; Xây dựng hơn 17,3 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 6,2 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100;… Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Thảo luận tại Hội nghị, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hội viên, đoàn viên có cơ hội thoát nghèo bền vững. Để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách nói chung và việc thực hiện dịch vụ ủy thác nói riêng, các tổ chức chính trị - xã hội đề nghị tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW. Tập trung tổ chức thực hiện hoàn thành kế hoạch tín dụng năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao. Tích cực huy động vốn và giải ngân kịp thời các chương trình tín dụngđáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu chất lượng hoạt động tín dụng như: Tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn bình quân toàn quốc đạt trên 90%; Tỷ lệ chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố có chất lượng hoạt động giao dịch xã xếp loại tốt từ 90% trở lên; Tổng giá trị giao dịch tại Điểm giao dịch xã đạt trên 95%; 100% phiên giao dịch xã được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn, hiệu quả; Tỷ lệ Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt và khá đạt trên 95%…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách. Hoạt động của NHCSXH nói chung và công tác ủy thác tín dụng thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nói riêng đã góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2021 của NHCSXH.
Để phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, NHCSXH đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp nghiên cứu, rà soát nội dung ủy thác phù hợp với giai đoạn mới; Sắp xếp lại hoạt động ủy thác của các đơn vị cấp xã, khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đều tham gia hoạt động ủy thác nhằm phát huy tiềm năng, tạo động lực thi đua giữa các đơn vị. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động ủy thác của cấp dưới, đặc biệt trong nhiệm vụ quản lý các Tổ tiết kiệm và vay vốn để kịp thời phát hiện, có giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc phát sinh; Tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng và nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch xã của NHCSXH.
PV
Các tin bài khác
- » NHCSXH TP Hà Nội đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn các đối tượng thụ hưởng
- » Thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”
- » Đồng hành với người nghèo tái sản xuất sau thiên tai
- » Hội nghị Ban chấp hành Công đoàn NHCSXH lần thứ 7, khóa IV
- » Hải Hậu trên con đường xây dựng nông thôn mới bền vững
- » Giúp nhau vươn lên làm giàu
- » Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch Covid-19
- » Nghệ An thực hiện hiệu quả nguồn vốn chính sách góp phần giảm nghèo
- » NHCSXH tỉnh Nghệ An hoàn thành kế hoạch năm 2020
- » Nghiệm thu đề tài “Giải pháp phát triển chương trình tín dụng đối với HSSV của NHCSXH trong giai đoạn mới”