Hải Hậu trên con đường xây dựng nông thôn mới bền vững
Nâng cao chất lượng ủy thác vốn ưu đãi
Hải Hậu là huyện ở phía Nam của tỉnh Nam Định, nằm giữa hai con sông Hồng và sông Ninh Cơ với 32km bờ biển và 33km đê sông lớn nên điều kiện về thổ nhưỡng nơi đây rất phì nhiêu, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, khi nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Hải Hậu “phủ sóng” ngày càng rộng đã giúp cho hàng nghìn hộ dân đầu tư sản xuất, kinh doanh, khai thác hiệu quả nguồn lợi về điều kiện thổ nhưỡng, để vươn lên trong cuộc sống.
Tính đến hết năm 2020, tổng dư nợ cho vay của huyện đạt hơn 528 tỷ đồng, tăng hơn 19 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 3,6%. Tỷ lệ hoàn thành 99,9% kế hoạch được giao. Các chương trình có dư nợ tăng trưởng lớn so với năm 2019 là: chương trình cho vay NS&VSMTNT tăng 16.910 triệu đồng, chương trình cho vay hộ cận nghèo tăng 9.209 triệu đồng, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo tăng 33.160 triệu đồng.
Huyện Hải Hậu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới bền vững
Giám đốc NHCSXH huyện Hải Hậu Đỗ Văn Phi cho biết: Để nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, công tác phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phải được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, qua đó nâng cao chất lượng ủy thác vốn vay.
Hiện nay, NHCSXH hàng tháng tổ chức giao dịch tại 34 Điểm giao dịch đặt trong khuôn viên trụ sở UBND các xã, thị trấn nơi giao dịch, đảm bảo an toàn thuận lợi cho khách hàng. NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội quản lý 526 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tại các buổi giao dịch xã, Chủ tịch UBND xã, thị trấn đã bố trí cán bộ an ninh làm nhiệm vụ giúp bà con giao dịch được an toàn, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho khách hàng vay vốn. Kết quả xếp loại Tổ tiết kiệm và vay vốn có 511 tổ xếp loại tốt, chỉ có 13 tổ xếp loại khá, không có tổ xếp loại trung bình và yếu.
NHCSXH huyện cũng đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn vay NHCSXH cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, Trưởng xóm (đội, tổ) ở 34/34 xã, thị trấn. Đến nay, đã tập huấn được 1.778 lượt hội, đoàn thể cấp xã, ban giảm nghèo, Chủ tịch UBND xã - thành viên Ban đại diện, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, Trưởng thôn ở 34 xã, thị trấn.
Trong năm 2020, dư nợ tín dụng các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Hải Hậu có sự tăng trưởng tốt, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, với 3.815 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập, đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo vườn tạp, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ và các hoạt động sản xuất khác, tạo ra nhiều việc làm mới tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Nguồn vốn ưu đãi cũng đã hỗ trợ 4.984 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây mới, cải tạo nâng cấp, góp phần vào việc cải tạo môi trường nông thôn, hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Để tín dụng ưu đãi thêm hiệu quả, bền vững
Phải khẳng định rằng, công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Hải Hậu đạt được nhiều kết quả, bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên NHCSXH còn nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong huyện.
Bí thư Huyện ủy Hải Hậu Mai Văn Quyết cho biết: Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Hải Hậu đã ban hành nhiều Nghị quyết, xây dựng nhiều đề án phát triển kinh tế, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn toàn huyện. Kết quả đến nay, huyện Hải Hậu đã có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, đã được công nhận là huyện nông thôn mới và đang trên đà xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển. Để hoàn thành được những mục tiêu đề ra đòi hỏi phải kết hợp nhiều yếu tố, trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách là kênh rất quan trọng.
Với sự ra đời Nghị định 78/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, là một công cụ hữu hiệu của chính quyền các cấp trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình hoạt động của NHCSXH, Huyện ủy, UBND huyện luôn dành sự quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để NHCSXH huyện triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi nhanh chóng kịp thời.
Đặc biệt từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, đã đem đến cho tín dụng chính sách làn gió mới, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện ngày càng được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm và triển khai có hiệu quả; hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện ngày càng có sự tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô cũng như chất lượng.
Các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng nhận thức đầy đủ về vai trò và nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình để triển khai các nội dung được ủy thác đến các đối tượng vay vốn; thực hiện bình xét công khai, dân chủ; tham gia giám sát chặt chẽ và đôn đốc hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng quy định; làm tốt công tác tuyên truyền các chủ chương chính sách tín dụng ưu đãi đến các tầng lớp nhân dân; tham gia tích cực và có hiệu quả với NHCSXH trong các buổi giao dịch xã và các nội dung khác có liên quan.
Bên cạnh đó, Bí thư chi bộ, trưởng các thôn, xóm và các tầng lớp nhân dân ngày càng hiểu và tham gia vào việc giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội; các tầng lớp nhân dân, các đối tượng thụ hưởng đã hiểu rõ hơn về quan hệ tín dụng ưu đãi, trên nguyên tắc “có vay, có trả”. Cán bộ NHCSXH ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, coi hoạt động tín dụng chính sách là sự phục vụ vô điều kiện, là nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang.
Tín dụng ưu đãi là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân và thực sự đã đi vào cuộc sống. Không những giải quyết những khó khăn về vốn cho một bộ phận hộ nghèo, cận nghèo mà chính sách này một lần nữa củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước. Hiệu quả chương trình mang lại trong suốt thời gian qua đã minh chứng cho điều đó.
Tuy nhiên, để công cuộc giảm nghèo bền vững cần mở rộng thêm đối tượng cho vay đối với hộ có thu nhập trung bình; nâng mức cho vay chương trình NS&VSMTNT; bổ sung thêm nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và NHCSXH tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa nguồn vốn cho vay ưu đãi để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Thanh Lan
Các tin bài khác
- » Giúp nhau vươn lên làm giàu
- » Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch Covid-19
- » Nghệ An thực hiện hiệu quả nguồn vốn chính sách góp phần giảm nghèo
- » NHCSXH tỉnh Nghệ An hoàn thành kế hoạch năm 2020
- » Nghiệm thu đề tài “Giải pháp phát triển chương trình tín dụng đối với HSSV của NHCSXH trong giai đoạn mới”
- » Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối DNTW lần thứ III
- » Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khéo léo
- » Vốn ưu đãi “chắp cánh” nông dân làm giàu
- » Trợ lực cho người dân thoát nghèo
- » Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở huyện Ea Kar