Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở Phú Lương

16/08/2021
(VBSP News) Những năm qua, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương (Thái Nguyên) mà hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn rất cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền trong việc định hướng phát triển kinh tế cho các hộ dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo.
thai nguyen

Từ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, hàng nghìn hộ nghèo có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo

Động lực thoát nghèo

Những năm qua, ngoài đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế, việc hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất đóng vai trò then chốt trong công tác giảm nghèo ở Phú Lương. Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đã có hàng ngàn hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Gia đình chị Lã Thị Liên ở xóm Khau Đu, xã Yên Trạch là một trong những hộ thoát nghèo điển hình nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ NHCSXH huyện. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, chị Liên đã mạnh dạn vay NHCSXH huyện 25 triệu đồng xây nhà và 50 triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay ưu đãi và số vốn tiết kiệm của gia đình, chị đã mua 2 con bò giống và trồng 0,6ha rừng keo. Sau 3 năm đầu tư chăm sóc, chị tiếp tục đầu tư nuôi thêm 100 con gà để mở rộng chăn nuôi và vươn lên thoát nghèo năm 2019.

Nhiều năm trước đây, gia đình chị Đàm Thị Sơn ở xóm Thân Trung, xã Ôn Lương luôn sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Năm 2015, chị Sơn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH trồng rừng và chăn nuôi thêm dê, bò giống. Sau 4 năm cần cù, chịu khó tìm hiểu phương thức trồng, chăm sóc đã giúp mô hình trang trại của gia đình mang lại thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, không chỉ giúp gia đình chị thoát ra khỏi diện hộ nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ kinh tế khá trên địa bàn.

Gia đình chị Liên, chị Sơn chỉ là một trong rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi từ NHCSXH huyện. Để người dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả, NHCSXH huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng xóm, khu phố trên phạm vi toàn huyện. Qua đó, giúp các hộ nghèo nói riêng và các hộ sản xuất trên địa bàn huyện nói chung có điều kiện, động lực hơn để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Duy Hưng cho biết, từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 3,1 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ với tổng số tiền trên 9 tỉ đồng. Còn đối với dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, huyện đã hỗ trợ cho 99 lượt hộ nghèo với tổng số tiền trên 1,5 tỉ đồng. Ngoài các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng các mô hình giảm nghèo, huyện còn tổ chức các hình thức trợ giúp lưu động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ tại địa phương. Qua đó, giúp người dân hiểu được quyền và trách nhiệm trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, cũng như các thủ tục cần thiết để có thể tiếp cận, thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước.

Hướng đến giảm nghèo bền vững

Bằng nỗ lực, quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Phú Lương đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2,56% (giảm 10,98% so với năm 2016). Song, thực tế tại địa phương cho thấy, việc có quá nhiều chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo đã dẫn đến tâm lý trông chờ, ỷ lại không muốn thoát nghèo của một bộ phận người dân. Thậm chí, ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có hộ đã thoát nghèo nhưng lại tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, việc huy động nguồn lực tại chỗ để giảm nghèo của các địa phương còn khó khăn, dẫn đến việc thoát nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Duy Hưng, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo và xây dựng xóm, bản tiến bộ, văn minh. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, phân loại hộ nghèo để xác định được những hộ có và không có khả năng thoát nghèo để có hướng hỗ trợ cụ thể. Thời gian tới, huyện tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các chương trình, dự án giảm nghèo của Nhà nước đối với những hộ có khả năng thoát nghèo, tự phát triển sản xuất. Đặc biệt, sẽ căn cứ vào đặc điểm, tình hình và kế hoạch của từng xã để định hướng cho các hộ dân phát triển kinh tế hiệu quả; hỗ trợ các loại cây trồng, vật nuôi, máy móc nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân.

Huyện cũng mong muốn, việc xây dựng chính sách hỗ trợ người nghèo cần theo hướng tạo ra động lực, giúp họ có tinh thần phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Việc hỗ trợ cần đáp ứng nhu cầu thực sự của người nghèo. Bên cạnh đó, cần phân loại hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, xem xét tách khỏi nhóm hộ nghèo để hưởng chính sách trợ cấp xã hội lâu dài, vì các đối tượng này không còn khả năng thoát nghèo.

Minh Tâm

Các tin bài khác