Giao dịch lưu động để phát huy đồng vốn

Ở tỉnh Quảng Bình, dân cư được phân bố trên diện rộng, địa hình dốc từ Tây sang Đông với 85% diện tích là đồi núi. Khí hậu nơi đây luôn khắc nghiệt, nắng lắm và mưa lũ nhiều, chính vì thế đời sống kinh tế của nhân dân trong tỉnh luôn gặp khó khăn. Thế nhưng, luôn sát cánh bên cạnh họ là đội ngũ cán bộ nhân viên của NHCSXH. Từ giải ngân, thu nợ, thu lãi, từ đồng bằng hay miền núi xa xôi trắc trở… Ở đâu có người nghèo - ở đó có bóng dáng cán bộ tín dụng chính sách (ảnh 1).

Tỉnh Quảng Bình có 8 huyện, thị xã, thành phố nhưng có đến 2 huyện miền núi và 4 huyện có xã miền núi. Mỗi tháng có khoảng 90 cán bộ, nhân viên của NHCSXH phải đi đến 153 xã, phường trong tỉnh để trực tiếp thực hiện việc giải ngân, thu nợ, thu lãi của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với các chương trình vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, hàng chục nghìn hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế, xây nhà ở, tạo việc làm, tiếp tục học tập và đầu tư xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn…

Mỗi buổi đi giao dịch lưu động tại xã, cán bộ NHCSXH tại các Phòng giao dịch phải chuẩn bị cẩn thận, chu đáo mọi thủ tục, phương tiện cần thiết cho một ngày giao dịch chính xác và hiệu quả. Mỗi tháng lịch giao dịch xã kéo dài từ 15 đến 18 ngày, mỗi ngày các cán bộ ngân hàng phải đi đến Điểm giao dịch gần nhất khoảng 3km và xa nhất có khi tới 60km.Nếu đi giao dịch ở vùng đồng bằng thì đỡ vất vả nhưng riêng với các xã miền núi có hôm cán bộ tín dụng phải ở lại đến hôm sau mới về được như các xã Tân Trạch, Thượng Trạch thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Trạch,… (ảnh 2, 3, 4 và 5).

Để các hoạt động giao dịch đạt kết quả cao, trước mỗi phiên giao dịch cố định hằng tháng, cán bộ tín dụng có cuộc họp “giao ban” phổ biến cho các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nắm bắt được những chính sách mới, những việc đã làm được và chưa được trong thời gian qua, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách mới để phổ biến lại cho khách hàng (ảnh 6 và 7).

Chính vì sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ từ cơ sở nên tính đến thời điểm này tổng dư nợ của hộ nghèo và cận nghèo đạt trên 970 tỷ đồng. Những đồng vốn này đã, đang phát huy đúng mục đích, góp phần cải thiện đời sống và kinh tế cho người dân (ảnh 8 và 9).

Nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp được hộ nghèo liên kết góp vốn một cách tự phát để lưu giữ nghề truyền thống và cùng nhau phát triển kinh tế như cơ sở nón lá Mỹ Trạch thuộc huyện Bố Trạch, làng nghề làm bánh tráng Tân An của huyện Quảng Trạch, hay làm khoai gieo ở xã Hải Ninh thuộc huyện Quảng Ninh (ảnh 10, 11, 12 và 13).

Điển hình trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả còn có chị Nguyễn Thị Thành ở thôn Tân Mỹ, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch. Chồng chị Thành mất sớm trong một cơn bão, một mình nuôi 6 đứa con, kinh tế quá khó khăn, chị đã mạnh dạn vay vốn từ NHCSXH, cùng sự giúp đỡ của người thân, gia đình chị đã đóng được tàu vươn khơi, giờ đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn (ảnh 14).

Ông Nguyễn Hữu Lướng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình cho biết: “Trong 11 năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số từ vùng đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa nhanh chóng tiếp cận với nguồn vốn qua hình thức giao dịch lưu động, nhờ thế họ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn trước mắt, dần ổn định cuộc sống”.

Đúng vậy, với công việc đặc thù của người cán bộ tín dụng NHCSXH là bám địa bàn, bám dân, phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể giải ngân kịp thời vốn vay ở cơ sở làm sao cho hiệu quả và đúng mục đích. Trong 5 tháng đầu năm 2014 đã có hơn 170 tỷ đồng đến được với người nghèo thông qua công tác giao dịch lưu động của các cán bộ tín dụng NHCSXH tỉnh Quảng Bình.

Phóng sự ảnh của phóng viên HIỀN PHƯƠNG vừa được thực hiện ở Quảng Bình gửi về sẽ nói lên những kết quả đó. Mời quý vị và các bạn đón xem!