Dòng vốn chính sách nơi “bát ngát chân trời miền hạ”
Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau
Theo chân Đoàn công tác cấp cao của NHCSXH do Uỷ viên HĐQT, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm Trưởng đoàn, chúng tôi đến Điểm giao dịch xã Trí Bình, huyện Châu Thành. Bây giờ, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,02% với 41 hộ và hộ cận nghèo là 69 hộ, tỷ lệ 3,40%. Song, đó là kết quả của một hành trình gian nan trong công cuộc giảm nghèo bền vững mà NHCSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cấp hội, đoàn thể triển khai trong những năm qua. Chủ tịch UBND xã Trí Bình, Phạm Văn Hồng cho biết: Trong những năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho trên 1.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn xã được tiếp cận nguồn vốn; góp phần giúp cho 300 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động; giúp cho hơn 500 HSSV có vốn để trang trải chi phí học tập; nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới trên 700 công trình cung cấp NS&VSMTNT,…
Tính đến nay, dư nợ tín dụng tại địa bàn xã Trí Bình đạt trên 17,7 tỷ đồng với 1.050 hộ vay còn dư nợ chiếm 51,8% số hộ dân trong xã. Dư nợ 03 chương trình vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có xu hướng giảm nhẹ so với cho vay hộ nghèo còn 1,7 tỷ đồng với 107 hộ đang còn dư nợ; cho vay hộ thoát nghèo 3,245 tỷ đồng với 133 hộ và cho vay hộ cận nghèo 1,626 tỷ đồng với 63 hộ vay, cũng cho thấy phần nào bức tranh tỷ lệ hộ chưa thoát nghèo bền vững cao trong khoảng năm trước. Nguồn vốn tín dụng chính sách đang chuyển dịch hỗ trợ các hộ dân tạo việc làm, nâng cao điều kiện sống và thu nhập góp phần thoát nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, dư nợ cho vay NS&VSMTNT đạt 6,358 tỷ đồng với 659 hộ còn dư nợ; cho vay giải quyết việc làm đạt 1,5 tỷ đồng với 67 hộ vay và cho vay HSSV đạt 3,233 tỷ đồng.
Tại buổi giao ban giữa NHCSXH với chính quyền xã, các tổ chức hội, đoàn thể của xã Trí Bình, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của bà con địa phương trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn và có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao. Trước đề nghị của xã, ngay tại buổi làm việc Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đồng ý bổ sung 3 tỷ đồng để cho vay chương trình giải quyết việc làm và NS&VSMTNT. Đồng thời, đề nghị xã tiếp tục kiểm tra, rà soát nhu cầu của người dân đề nghị NHCSXH trong thời gian tới bố trí nguồn vốn kịp thời để giúp bà con phát triển SXKD, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Kết quả của sự cộng hưởng sức mạnh
Qua hơn 16 năm thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, được sự quan tâm chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đi vào ổn định và từng bước phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Tây Ninh, Dương Văn Thắng cho biết, từ 3 chương trình tín dụng chính sách ban đầu với tổng dư nợ là 68,7 tỷ đồng, đến nay NHCSXH tỉnh Tây Ninh đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ và một số chương trình do UBND tỉnh và huyện, thành phố ủy thác với tổng dư nợ đến nay đạt 2.345 tỷ đồng, tăng 2.276 tỷ đồng và gấp 33,13 lần so với năm 2002, với 108.584 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 21,6 triệu đồng/hộ. Số hộ dân toàn tỉnh là 299.691 hộ dân cho thấy, mức độ bao phủ của nguồn vốn tín dụng chính sách cho phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương.
Đặc biệt từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Tây Ninh đã chủ động tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành văn bản số 754-CT/TU ngày 22/12/2014 chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy trực thuộc, UBMTTQ và các Sở, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức quán triệt nội dung của Chỉ thị. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một nhiệm vụ thường xuyên, nhằm góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
UBND tỉnh cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban chỉ đạo và các Sở, Ban ngành, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; chỉ đạo việc tập trung đầu tư nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trụ sở và điều kiện làm việc cho hệ thống NHCSXH tỉnh, huyện.
Hàng năm, UBND tỉnh và 8 huyện và thành phố chuyển nguồn vốn từ ngân sách ủy thác sang NHCSXH để cho vay. Đến hết tháng 6/2019 tổng số vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 173,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 154,7 tỷ đồng, vốn ngân sách các huyện, thành phố là 18,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh, huyện còn nhận được sự hỗ trợ về phương tiện làm việc và bố trí đất để xây dựng trụ sở làm việc. Công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp được thực hiện thường xuyên. Nhất là sau khi Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT cấp huyện đã nâng cao năng lực hoạt động của Ban đại diện HĐQT. Các chủ trương, chính sách được triển khai nhanh chóng, những khó khăn, vướng mắc được Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp chỉ đạo giải quyết kịp thời tại cơ sở.
Tín dụng chính sách đã có tác động tích cực và thiết thực đối với đời sống của nhân dân. Trong hơn 16 năm qua đã có gần 389 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn; góp phần giúp cho gần 40 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho trên 40 nghìn lao động; giúp cho trên 58 nghìn HSSV có vốn để trang trải chi phí học tập; gần 134 nghìn hộ được xây dựng công trình cung cấp NS&VSMTNT; trên 1,2 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo; trên 34 nghìn lượt hộ ở vùng khó khăn được vay vốn SXKD,… Tính đến cuối năm 2018, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều chỉ còn 2,54%, trong đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,99%.
Thay mặt Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của NHCSXH đã đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong hơn 16 năm qua. “Tín dụng chính sách là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương, góp phần tích cực khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, bán sản phẩm khi chưa thu hoạch ở nông thôn; góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện điều kiện sinh hoạt, đi lại, học hành cho các tầng lớp nhân dân. Từ đây, người nghèo và vùng khó khăn cải thiện điều kiện kinh tế, hạn chế các tệ nạn xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh khẳng định.
Tuy nhiên, để tăng tốc nhanh hơn công cuộc giảm nghèo, phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Phạm Văn Tân đề nghị NHCSXH quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn tín dụng chính sách cho tỉnh, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn, mở rộng, đầu tư phát triển SXKD, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống thoát nghèo bền vững. Về phía UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp với NHCSXH để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn trong thời gian tới.
Cảm nhận từng hiệu ứng của vốn tín dụng chính sách đang chuyển dịch trong đời sống người dân Tây Ninh, cũng như cùng Lãnh đạo địa phương phân tích các điểm mạnh yếu của dòng chảy tín dụng chính sách trên địa bàn, thay mặt Đoàn công tác, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng gửi lời cảm ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các Sở, ban ngành và các tổ chức hội, đoàn thể đã dành nhiều sự quan tâm để việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Đảng và Chính phủ dành cho người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn đạt chất lượng, hiệu quả cao. Đặc biệt sự vào cuộc nhiệt huyết của chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể góp phần tạo ý thức tiết kiệm cho người dân, gia tăng nguồn vốn huy động cho NHCSXH.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đề xuất tỉnh Tây Ninh quan tâm hơn nữa đến nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nhằm tăng cường nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Đồng thời, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể cần phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, nông, lâm, ngư nghiệp và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Hướng tới sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Tổng Giám đốc mong muốn Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo, phối hợp cùng chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh thực hiện tổ chức sơ kết, làm cơ sở để tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW toàn quốc, đồng thời tìm ra những điểm mạnh cũng như điểm yếu trong công tác tín dụng để từ đó có những điều chỉnh kịp thời cũng như đề xuất kiến nghị các cấp để tín dụng chính sách gia tăng thêm “sức mạnh” xoay chuyển đói nghèo, xây dựng nông thôn mới như Đảng, Chính phủ, chính quyền địa phương cũng như từng cán bộ NHCSXH đang thực hiện và hướng tới.
Để hiện thực hóa những mong muốn và tiếp thu ngay những đóng góp của đối tượng thụ hưởng chính sách và chính quyền đoàn thể các cấp, tại buổi làm việc với tập thể NHCSXH tỉnh Tây Ninh để nhìn lại tình hình hoạt động của chi nhánh trong 06 tháng đầu năm 2019 và đề ra những giải pháp hữu hiệu thực hiện thành công kế hoạch năm 2019, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh “Năm 2019 là năm thực hiện sơ kết 05 năm Chị thị số 40, do vậy chi nhánh tỉnh tiếp tục bám sát, tham mưu kịp thời, hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40 chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn và thực hiện tốt Kế hoạch sơ kết”. Tổng Giám đốc yêu cầu chi nhánh tỉnh Tây Ninh bám sát, tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững để cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch hoạt động của chi nhánh và tham mưu, phối hợp, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Việc mở rộng huy động vốn và cho vay cần gắn liền với các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, hạn chế nợ quá hạn phát sinh, tăng trưởng nguồn vốn tín dụng chính sách. Tổng Giám đốc nhấn mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, đặc biệt là chất lượng hoạt động của hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn và tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới cơ sở,… là một trong những điểm tựa để tín dụng chính sách ngày càng vươn xa đến các đối tượng thụ hưởng và gia tăng hiệu quả dòng chảy tín dụng chính sách.
* Trước đó, nhân dịp Kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7, Đoàn công tác NHCSXH đã đến huyện Châu Thành thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tám, sinh năm 1939 ở xã Hảo Đước có hai con là liệt sĩ; Mẹ Trần Thị Kháng, sinh năm 1938 ở xã Hảo Đước có chồng và một con là liệt sĩ; Mẹ Lê Thị Mạnh, sinh năm 1928 ở xã An Cơ, có hai con là liệt sĩ.
Việt Hải
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Hội đồng quản trị NHCSXH họp phiên thường kỳ quý II/2019
- » NHCSXH triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019
- » Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình làm việc với NHCSXH
- » Đoàn kết làm nên sức mạnh của Đảng
- » NHCSXH tập huấn chuyên đề tín dụng năm 2019
- » Về nơi dòng vốn nồng đậm tình người
- » Hội thảo khoa học đề tài “Xây dựng chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”
- » NAM ĐÀN: Lựa chiều tín dụng thổi bùng sức sống nông thôn mới
- » Dưỡng mạch nguồn vốn xoay chuyển đói nghèo