Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình làm việc với NHCSXH

28/06/2019
(VBSP News) Chiều 28/6/2019, tại Hà Nội, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình đã có buổi làm việc với NHCSXH về một số nội dung liên quan đến tình hình chăn nuôi và Đề án đàn bò thương phẩm của tỉnh. Dự buổi làm việc, về phía NHCSXH có đồng chí Dương Quyết Thắng - Uỷ viên HĐQT, Tổng Giám đốc; đồng chí Lê Ngọc Bảo - Uỷ viên HĐQT, Trưởng Ban kiểm soát; các đồng chí Phó Tổng Giám đốc; Kế toán trưởng; Chánh Văn phòng; Giám đốc một số Ban CMNV tại Hội sở chính. Về phía tỉnh Thái Bình có đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Ngô Đông Hải - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Đàm Văn Vượng - Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Lãnh đạo Sở Tài chính, Sở NNo&PTNT, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Dụng - Giám đốc Sở NNo&PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, tính đến nay toàn tỉnh còn hơn 60.000 con lợn thịt đến kỳ xuất bán nhưng chưa tiêu thụ được. Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố phát động phong trào tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn toàn tỉnh, giúp người chăn nuôi vơi bớt khó khăn trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cùng với hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cũng chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi, không quay lưng lại với thịt lợn, giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn.
Về nguồn vốn cho vay, UBND tỉnh yêu cầu NHCSXH tỉnh nắm chắc số lượng hộ vay để hỗ trợ vốn vay. Tính đến nay đã có 18 tỷ đồng được NHCSXH tỉnh Thái Bình gia hạn cho hơn 510 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. NHCSXH tỉnh Thái Bình cũng chỉ đạo các Phòng giao dịch cấp huyện chủ động phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể tiến hành rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do dịch tả lợn châu Phi gây ra để kịp thời gia hạn thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Theo quy định, tùy theo thời hạn vay vốn, hộ vay có thể được gia hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, song không vượt quá nửa thời hạn vay vốn. Đến nay, một số Phòng giao dịch NHCSXH huyện có số tiền gia hạn nợ cao như: huyện Thái Thụy gia hạn cho hơn 110 khách hàng, với số tiền gần 4,4 tỷ đồng; huyện Vũ Thư gia hạn cho 105 khách hàng trên 4,2 tỷ đồng; huyện Tiền Hải gia hạn cho 130 khách hàng với hơn 3,3 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên phát biểu

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên phát biểu

Về Đề án phát triển đàn trâu, bò thịt thương phẩm theo chuỗi liên kết tỉnh Thái Bình giai đoạn 2019 - 2025, Lãnh đạo Sở NNo&PTNT tỉnh Thái Bình thông tin, đến hết năm 2018, tổng đàn trâu của tỉnh đạt 6.280 con, tăng 479 con so với năm 2013, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2013 - 2018 đạt 1,65%/năm; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2018 đạt 795 tấn, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2013 - 2018 đạt 15,49%/năm. Tổng đàn bò của tỉnh năm 2018 đạt 48.592 con, tăng 4.488 con so với năm 2013; sản lượng thịt bò đạt 7.883 tấn, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2013 - 2018 đạt 26,25%/năm.
Để ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả và bền vững, ngành Nông nghiệp của tỉnh Thái Bình đã xây dựng dự thảo Đề án phát triển đàn trâu, bò thịt thương phẩm theo chuỗi liên kết tỉnh Thái Bình giai đoạn 2019 - 2025 với mục tiêu phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết chặt chẽ, có năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả cao, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái trên cơ sở ứng dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi và khai thác, phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững và chuyển đổi sinh kế cho người chăn nuôi, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh diễn biến phức tạp của các bệnh dịch đang gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu đến hết năm 2020, đàn trâu, bò của tỉnh đạt 70.000 - 75.000 con trở lên; đến hết năm 2025, tổng đàn trâu, bò đạt hơn 180.000 con, xây dựng được 8 trang trại “lõi” trở lên đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết và phát triển được khoảng 25.000 - 28.000 nông hộ, trang trại chăn nuôi trâu, bò tham gia chuỗi liên kết.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nêu trong Đề án đặt ra, tỉnh Thái Bình đề nghị NHCSXH Việt Nam bố trí bổ sung nguồn vốn khoảng 450 tỷ đồng để tỉnh thực hiện cho vay giải quyết việc làm giai đoạn 2019 - 2020.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Diên cho biết Thái Bình là tỉnh trọng điểm của cả nước về chăn nuôi lợn và gia cầm. Ngành chăn nuôi chiếm 43% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đạt được kết quả nêu trên có sự hỗ trợ tích cực từ tín dụng chính sách xã hội. Tổng dư nợ cho vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến nay đạt 2.900 tỷ đồng cho 100.132 hộ vay, chiếm 22,3% số hộ nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo bình quân xuống 1%/năm. Đối với Đề án chăn nuôi của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị NHCSXH Việt Nam quan tâm và hỗ trợ nguồn vốn để địa phương thực hiện cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu chuyển đổi sang chăn nuôi trâu, bò.
Về những đề nghị của tỉnh Thái Bình tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, NHCSXH ủng hộ và cam kết đồng hành cùng tỉnh Thái Bình để thực hiện hiệu quả Đề án phát triển trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết, giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo. Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đề nghị tỉnh Thái Bình rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của hộ dân nhằm chuyển đổi mô hình chăn nuôi theo Đề án để NHCSXH cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện cho vay hiệu quả.

PV

Các tin bài khác