Động lực làm nên nhiều mô hình hiệu quả

05/06/2013
(VBSP News) Với đặc thù là một xã thuần nông, để triển khai chương trình xóa nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, Đảng bộ và chính quyền xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) đã chú trọng nhiều giải pháp như tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, đổi mới công tác tín dụng chính sách… tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội. Điều đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế ở địa phương là vốn ưu đãi từ NHCSXH đang là nguồn động lực quan trọng, giúp người dân tận dụng khai thác tiềm năng và lợi thế, tạo ra nhiều mô hình khác nhau có thu nhập cao.
Nhiều hộ nghèo vay vốn ưu đãi nuôi bò vỗ béo

Nhiều hộ nghèo vay vốn ưu đãi nuôi bò vỗ béo

Gia đình bà Trần Thị Dương, thôn Phước Yên, huyện Quảng Thọ vốn là hộ nghèo. Qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ, từ năm 2005 đến nay, gia đình bà được NHCSXH cho vay hai chương trình, món vay đầu tiên là 8 triệu đồng của chương trình cho vay hộ nghèo, bà đầu tư nuôi một con bò lai, thấy có hiệu quả bà Dương xây dựng dự án nuôi bò vỗ béo và được NHCSXH cho vay giải quyết việc làm 20 triệu đồng, bà đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 4 con bò gầy về nuôi vỗ béo, tận dụng bãi cỏ ven sông Bồ để chăn thả. “Hiện nay, mỗi năm trang trại của gia đình tôi thu lãi từ 50 - 70 triệu đồng. Nhờ sự giúp đỡ thiết thực của NHCSXH, năm 2013 gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ nghèo rồi”. Bà Dương vui mừng cho biết.

Cùng xóm với bà Dương, gia đình ông Nguyễn Văn Phương cũng thoát nghèo, lại còn trở thành hộ “sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện”, sau 5 năm được NHCSXH cho vay vốn để nuôi chim cút. Mới đầu, cả xã chỉ có mình hộ ông Phương sử dụng toàn bộ 15 triệu đồng vay của NHCSXH đầu tư mua con giống, làm giàn lưới thực hiện nuôi chim thả vườn. Thấy mô hình mang lại hiệu quả, Hội Nông dân xã đã khuyến khích mọi người học tập, đến nay cả xã có trên 20 hộ vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi thực hiện mô hình này. Trong đó, hộ ông Văn Công Thoàng mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ chim cút. Bên cạnh đó, ông Thoàng đã tự nguyện trả nợ trước kỳ hạn cho ngân hàng và tham gia gửi tiền tiết kiệm người nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, bình quân mỗi tháng 200 nghìn đồng.

Để khai thác tận dụng lợi thế làng nghề Hội Phụ nữ xã Quảng Thọ đã chủ động lập kế hoạch dự án và được NHCSXH huyện Quảng Điền giúp đỡ, cho vay vốn để bà con khôi phục, mở rộng nghề dệt chiếu truyền thống. Với sự hỗ trợ kịp thời, về vốn ưu đãi đã góp phần phát triển nghề dệt chiếu theo hướng hiện đại với hơn 900 hộ sản xuất tại 4 làng nghề ở xã Quảng Thọ, trong đó đã có khoảng 70% số hộ có vốn mua sắm được máy dệt. Đến xã Quảng Thọ, hỏi ai cũng biết chị Phạm Thị Đang ở làng An Khương với cơ ngơi nhà xưởng, sản phẩm trị giá hàng tỷ đồng nhờ sản xuất, kinh doanh hàng chiếu dệt cao cấp. Mặt hàng chủ yếu là chiếu dệt in hoa cung cấp cho hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Theo chị Đang kể lại: “Gia đình tôi đã có cơ sở sản xuất chiếu truyền thống từ năm 1995. Năm 2010, được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm, tôi liền mua thêm nguyên liệu, máy móc, thuê lao động theo thời vụ, thành lập Hợp tác xã dệt chiếu Quảng Thọ. Năm 2012, doanh thu của Hợp tác xã đạt hơn 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng”.

Chính nhờ nguồn động lực quan trọng từ NHCSXH mà những mô hình sản xuất, kinh doanh của người dân xã Quảng Thọ đạt được hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng thu nhập trong khu vực nông thôn, đặc biệt tạo niềm tin đối với chủ trương chính sách xóa nghèo, an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Bài và ảnh Trần Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác