Chuyện thoát nghèo ở một xã liền kề thành phố
Theo thông lệ, căn cứ vào nhu cầu thực tế về vốn chính sách của các hộ gia đình, trong đó có các hội viên nông dân nghèo, ngay từ đầu năm, Hội Nông dân xã triển khai lập kế hoạch, đề xuất lên NHCSXH huyện phân bổ nguồn vốn vay uỷ thác, đồng thời thông báo nhanh, chính xác để mọi người đăng ký vay vốn tại Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn xóm. Sau khi NHCSXH giải ngân từng chương trình tín dụng ưu đãi, lãnh đạo Hội đã chỉ đạo cán bộ chuyên trách theo dõi công tác tín dụng chính sách phối hợp với các chi hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Nông dân xã quản lý triển khai công tác hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay, đôn đốc người vay trả nợ, nộp lãi đầy đủ và vận động bà con tự giác gửi tiền tiết tiết kiệm dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ thường xuyên làm tốt công tác đó mà số vốn vay đã được đông đảo hội viên nông dân sử dụng đúng mục đích, hạn chế tối đa tình trạng nợ quá hạn, lãi tồn đọng.
Ông Đoàn Văn Trọn, người từng có thâm niên 10 năm liền làm Chủ tịch Hội Nông dân xã cho chúng tôi biết: Tính đến nay, toàn xã Mỹ An có trên 400 lượt gia đình hội viên nông dân nghèo được tiếp cận tới 4,5 tỷ đồng của NHCSXH, tỷ lệ thu lãi cũng đạt cao trên 95%. Ngoài một số ít hộ già yếu, neo đơn, còn lại hầu hết các hộ vay vốn chính sách đều chí thú làm ăn. Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế do biết cách tính toán về sử dụng vốn vay cùng với ý thức tiết kiệm cao. Cụ thể như anh Bùi Văn Túy ở ấp số 2 có 5 sào đất nhưng trước đây do thiếu vốn sản xuất lại đông con nên rơi vào diện hộ nghèo. Thấy rõ hoàn cảnh gia đình anh Túy, nên cán bộ Hội Nông dân sở tại đến tận nhà anh động viên, hướng dẫn anh vay vốn chính sách để làm ăn. Với 30 triệu đồng vay kịp thời của chương trình hộ nghèo, vợ chồng anh Túy đã đầu tư cấy lúa thơm cao sản một phần, phần còn lại mua heo giống về nuôi. Trong vòng 2 năm, gia đình anh thoát hẳn nghèo, cuộc sống no đủ và hoàn trả số tiền nợ, lãi đúng kỳ hạn cho ngân hàng.
Còn gia đình chị Ngô Thị Kim Sinh ở ấp 3 xã Mỹ An cũng đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH. Trước kia, vì thiếu đất, thiếu vốn sản xuất nên cuộc sống của 4 mẹ con chị phải trông vào tiền làm thuê và bán vé số. Năm 2011, chị được Chi hội nông dân ấp tạo điều kiện vay 25 triệu đồng hộ nghèo để đầu tư trồng nấm rơm, chị Sinh tâm sự: “Không chỉ được vay vốn, mà tôi còn được Hội Nông dân tạo điều kiện cho tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm của Trung tâm khuyến nông tỉnh tổ chức. Có vốn, có kiến thức, chị bắt tay vào làm nấm. Sau 2 năm chị đã trả xong nợ và còn nuôi thêm 500 con vịt chạy đồng”. Năm nay chị Sinh đã có thu nhập gần 100 triệu đồng, xây được 3 gian nhà ở vững chắc và được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp.
Ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An cho biết thêm: Xác định công tác uỷ thác vay vốn ưu đãi của NHCSXH là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, Hội Nông dân xã đã tổ chức các hoạt động nhằm giúp hội viên nông dân nghèo, hộ cận nghèo vay vốn thuận lợi tham gia các lớp tập huấn. Hiện, Hội Nông dân toàn xã quản lý 8 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 400 thành viên vay vốn. Sang năm 2015, Hội tiếp tục rà soát các hộ hội viên nghèo, hộ cận nghèo, quan hệ chặt chẽ với NHCSXH để có phương án thích hợp thực hiện vay vốn, sử dụng vốn chính sách đúng mục đích, đạt nhiều kết quả về sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Bài và ảnh Trần Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đồng vốn trợ lực vượt ngưỡng nghèo
- » Hộ nghèo ở Phú Yên được vay vốn xây nhà phòng, tránh bão, lụt
- » Huyện Ba Bể hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách
- » Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống
- » Thái Bình thực hiện giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới
- » Vay vốn được “khuyến mãi” kiến thức
- » Về nơi “rốn nghèo” tỉnh Điện Biên
- » Giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi Quảng Ngãi
- » Khi người nghèo có vốn ưu đãi
- » Điểm tựa cho bà con Khmer nghèo