Chuyển động mới ở vùng biên

15/12/2014
(VBSP News) Nhằm duy trì và phát huy hiệu quả nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn vay dành cho các đối tượng chính sách, ngay từ đầu năm 2014, NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng triển khai nguồn vốn tiền gửi từ cộng đồng dân cư, nguồn vốn nhận tài trợ, uỷ thác tại địa phương được hơn 78 tỷ đồng nâng tổng nguồn vốn hoạt động lên 1.901 tỷ đồng, tăng 134 tỷ đồng so với 31/12/2013. Trong đó riêng doanh số cho vay mới là 483 tỷ đồng, cụ thể là chương trình hộ cận nghèo tăng 72,4 tỷ đồng, hộ sản xuất kinh doanh tăng 45,8 tỷ đồng, cho vay NS&VSMNT 30,2 tỷ đồng.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại NHCSXH

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại NHCSXH

Cùng với nguồn vốn tăng trưởng, NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực để đảm bảo giải ngân kịp thời, cho vay đúng đối tượng thụ hưởng và hỗ trợ các đối tượng tháo gỡ khó khăn trong quá trình vay vốn, trả nợ như: Triển khai công tác tuyên truyền theo chủ điểm và theo từng chương trình, phối hợp với UBND các cấp rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn thuộc diện vay vốn; nâng mức cho vay chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 30 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ; điều chỉnh lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, HSSV có hoàn cảnh khó khăn,… Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có gần 80 nghìn khách hàng với tổng dư nợ là 1.849 tỷ đồng. Đáng chú ý ở một số huyện như Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc có số dư nợ vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 100 - 130 tỷ đồng. Nhờ có chương trình tín dụng này mà nhiều hộ gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh miền núi biên giới đã có cơ hội thụ hưởng đồng vốn chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh thoát nghèo bền vững.

Trường hợp của gia đình chị Vi Thị Sự, dân tộc Tày ở thôn Bãi Danh, huyện Hữu Lũng là một ví dụ điển hình. Trước đây, hoàn cảnh nhà chị hết sức khó khăn, làm không đủ ăn. Đến năm 2010, chị Sự được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của NHCSXH huyện để đầu tư nuôi bò và trồng cây na dai bên sườn núi đá. Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời cùng với công lao chăm sóc chu đáo, đàn bò và vườn cây ăn quả đặc sản đã cho gia đình chị thu hoạch mỗi năm trên 250 triệu đồng, nếu trừ các khoản chi phí còn lãi 150 triệu đồng. Đời sống kinh tế của vợ chồng chị Sự khấm khá hẳn lên, thoát nghèo, lại xây được nhà ở 3 gian vững chắc và mua sắm cả xe ô tô tải loại nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Gia đình chị Vi Thị Sự, dân tộc Tày ở thôn Bãi Danh, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng vay 30 triệu đồng hộ nghèo đầu tư trồng na

Gia đình chị Vi Thị Sự, dân tộc Tày ở thôn Bãi Danh, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng vay 30 triệu đồng hộ nghèo đầu tư trồng na

Một trong khó khăn lớn nhất của đồng bào dân tộc vùng biên giới trong quá trình giảm nghèo, vươn lên làm kinh tế hiện nay là thiếu vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Xác định được điều đó, NHCSXH huyện Lộc Bình đã tạo điều kiện để bà con trên địa bàn tiếp cận thuận lợi, nhanh chóng với nguồn vốn ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và 322 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Một trong số những hộ nghèo được nhận vốn vay và phát huy hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn là gia đình anh Hoàng Văn Nam ở khu Na Rầy, thị trấn Lộc Bình. Năm 2009, với số vốn vay từ NHCSXH huyện, ban đầu vợ chồng anh Nam chăn nuôi nhỏ lẻ, dần dà từ số tiền tích cóp được, anh chị đã xây thêm chuồng trại, phát triển đàn lợn. Đến nay, gia đình không những đã trả xong nợ, thoát nghèo mà còn đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh với một cơ ngơi 1200m2 chuồng trại nuôi 20 con lợn nái, 100 con lợn bột, 250 con lợn giống, mỗi tháng cho xuất chuồng khoảng 60 - 80 con lợn thịt, ước tính mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Hay như gia đình ông Hoàng Văn Thượng, hàng xóm của anh Nam, cũng là hộ sử dụng vốn vay chính sách hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Sau khi được NHCSXH giải quyết cho vay 30 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ từ anh em, bạn bè, ông bàn với vợ con quyết định đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp đào ao thả cá, xây chuồng nuôi nhím, lợn, gà và trồng rau xanh và hồng không hạt. Nhờ sự cần cù lao động và biết tính toán hợp lý, trang trại đã cho ông thu lãi trên 100 triệu đồng hàng năm. Cuối năm 2013, gia đình ông đã được xóa khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương

Ông Phạm Minh Hà - Giám đốc NHCSXH huyện Lộc Bình, cho biết: Đến hết năm 2014, tổng doanh số cho vay của ngân hàng đạt trên 43 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ toàn huyện hơn 200 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo xấp xỉ 110 tỷ đồng. Thời gian tới, NHCSXH huyện Lộc Bình giao ước thi đua cùng các ngân hàng bạn trên địa bàn nỗ lực tăng trưởng nguồn lực tài chính thực hiện nhiều giải pháp phù hợp để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở vùng biên giới.

Bài và ảnh Văn Giang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác