Chờ đón những động lực mới

02/02/2019
(VBSP News) “Nhìn nhận việc triển khai Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc thực hiện cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là một chương trình có ý nghĩa an sinh xã hội và nhân văn sâu sắc, ngay sau đó NHCSXH đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và xây dựng các quy trình nội bộ để thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội. Song, Lãnh đạo Trung ương, địa phương và NHCSXH cùng lo ngại nguồn vốn cho vay hiện tại cũng như trong tương lai còn hữu hạn so với nhu cầu khiến chính sách cho vay nhà ở xã hội tại NHCSXH khó lan tỏa trong cuộc sống.

image001

Lý giải câu chuyện Nghị định số 100 vào cuộc sống có độ trễ dài khi ban hành cuối năm 2015 nhưng đến tháng 4/2018 mới có thể triển khai đó chính là vốn với 500 tỷ đồng từ Ngân sách cấp và nguồn vốn NHCSXH tự huy động 500 tỷ đồng. Ngay sau khi được chuyển vốn, NHCSXH đã chỉ đạo chi nhánh cấp tỉnh, Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện tích cực, khẩn trương báo cáo chính quyền địa phương, tham mưu phân giao nguồn vốn và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện đến tất cả các địa bàn xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.“Thời gian đầu triển khai thực hiện đối với cả người cho vay và người đi vay không tránh khỏi những lúng túng”, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý chia sẻ. Bởi chương trình cho vay nhà ở xã hội tại NHCSXH không phải là một chương trình cho vay với số tiền và thời hạn cụ thể mà đây là một chính sách lâu dài của Chính phủ.

Thực tế khi giải ngân vốn còn có vướng mắc. Chẳng hạn, căn hộ nhà ở xã hội đã được chủ dự án thế chấp để gọi vốn từ các ngân hàng khác, nay người dân muốn vay vốn để mua nhà của họ thì chủ dự án phải giải chấp căn hộ đấy; một số hộ tại vùng nông thôn có nhu cầu vay để xây, cải tạo nhà ở nhưng giấy tờ đất không đủ điều kiện vay (chưa chuyển đổi sang đất thổ cư); một số hộ cha mẹ cho con đất để cất nhà nhưng không chuyển quyền sở hữu; một số công nhân có hộ khẩu thường trú một nơi, Dự án mua nhà lại nằm ở một địa phương khác…

“Có vướng mắc NHCSXH đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ nhưng có vướng mắc người đi vay phải tự khắc phục. Ngoài ra, hiện nay có tâm lý đây là chương trình tín dụng dài hơi nên đối tượng vay vốn hoàn thiện mọi thủ tục mới vay. Nhiều người đang cân nhắc nên vay năm nay hay năm sau, mua chỗ nào để phù hợp với hoàn cảnh. Đến giờ phút này NHCSXH chưa nhận được trường hợp phản ánh nào đủ điều kiện vay mà chưa được vay”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý cho hay.

Kết quả cho vay đến nay đã có 59 chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho vay, tổng dư nợ đạt gần 905 tỷ đồng, với 2832 khách hàng đang vay vốn.

Là tỉnh có dư nợ giải ngân cao, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Phan Thái Bình chia sẻ với sự chuẩn bị ngay từ đầu và chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ tháng 4/2018 đến nay, tỉnh đã cho vay 50 tỷ đồng.

Qua khảo sát, nhu cầu vay nhà ở xã hội của tỉnh năm 2019 khoảng 300 tỷ đồng. Năm 2018 mới chỉ đáp ứng nhu cầu 16%. Vốn ít trong khi nhu cầu lớn cũng được Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Như Ý chia sẻ tại tỉnh Đồng Nai với 32 Khu công nghiệp và 1,2 triệu công nhân, 70% là dân nhập cư. Như vậy so với nguồn vốn mà NHCSXH dành cho vay nhà ở xã hội của tỉnh là 20 tỷ đồng vẫn còn khiêm tốn.

Nhìn rộng ra toàn quốc càng thấy sự chênh lệch cung và cầu. Hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân các các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Trong khi đó hiện mới có 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô khoảng 28.800 căn hộ chỉ đáp ứng được gần 28% nhu cầu.

Còn về vốn theo Quyết định số 1291/QĐ-TTg giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đợt 2, nguồn vốn cấp cho NHCSXH để thực hiện cho vay nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 là 1.062 tỷ đồng. Ngày 27/12/2017 tại Nghị quyết số 466/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh tăng kế hoạch đầu tư trung dài hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho NHCSXH để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội là 101,208 tỷ đồng. Như vậy, ngân sách Nhà nước từ nay đến năm 2020 cấp 1.163 tỷ đồng cho NHCSXH để cho vay, đồng thời NHCSXH huy động thêm 50% tạo tổng nguồn vốn là 2.326 tỷ đồng. Dựa trên các chỉ số chuyên môn về nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng, các chỉ số về lực lượng lao động và thu nhập của các đối tượng, nguồn vốn cho vay chương trình nhà ở xã hội từ nay đến năm 2020 mới có 2.326 tỷ đồng, số vốn này chỉ đáp ứng khoảng 13% nhu cầu vay vốn trong giai đoạn này (nhu cầu khoảng 18.000 tỷ đồng).

Đặt câu hỏi tại sao chính sách rất cần thiết, rất nhân văn và rất hợp lòng dân nhưng vẫn khó khăn để thực thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, Bùi Sỹ Lợi chỉ ra 4 vấn đề. Thứ nhất, thủ tục đất làm nhà rất khó khăn. Hiện 38% người có công không thể thực hiện được chính nhà ở cũng vì chính sách này là thủ tục đất đai. Thứ hai, đền bù giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch rất khó khăn. Hầu hết các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bình Dương… giao đất thì có giao nhưng thành đất sạch để làm nhà thì còn khó khăn. Nhiều chủ đầu tư nói rằng, chúng tôi không cần gì hết, chúng tôi chỉ cần được giao đất sạch để thi công thì tiến độ sẽ đạt được, nhưng không đạt được mục tiêu đó. Thứ ba là ưu đãi đã không cao nhưng lại quy định cho họ làm nhà, lợi nhuận thu được từ cái này không quá 10%, tức không hấp dẫn.

“Câu chuyện cuối cùng mà chúng ta bàn là nguồn vốn và cách thức xử lý nguồn vốn như thế nào”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội nói và đưa ra giải pháp đất nước chúng ta không còn cơ chế “cho không” và giải ngân vốn không có điều kiện mà tất cả nguồn vốn này có điều kiện. Chúng ta giảm được cái “cho không” thì chúng ta phải biến nguồn lực của chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững này vào chương trình cho vay, kể cả lãi suất thấp thì nguồn vốn của chúng ta vẫn còn tồn tại, và đó chính là quỹ của chúng ta.

Cùng đồng thuận với quan điểm chính sách nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ Quốc gia đáp ứng nhu cầu chính đáng của người nghèo, đối tượng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và trật tự xã hội, một số đại biểu Quốc hội cũng đồng thuận cho rằng nguồn vốn yếu tố quyết định cho chính sách vào cuộc sống. Thực tế triển khai thời gian qua cũng cho thấy nguồn vốn cho vay hiện nay còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng nên chính sách cho vay nhà ở xã hội tại NHCSXH bị hạn chế tính ưu việt, chưa thật sự lan tỏa.

Ở góc độ của NHCSXH, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý hy vọng từ nay tới 2020, Quốc hội có thể cân đối thêm, bởi đây cũng là nhu cầu chính đáng, sẽ góp phần tạo an sinh xã hội, bảo đảm phát triển xã hội. Đồng thời đề xuất 2 cách giải quyết: Đó là cho người mua nhà vay ngay, còn trong trường hợp cho doanh nghiệp vay có thể theo hợp đồng xây dựng tới đâu sẽ có khoản vay tới đó. Đây cũng là cách xử lý cho doanh nghiệp có vốn để làm. Tới đây NHCSXH sẽ đưa ra  dịch vụ mới, ngoài gói vay tiết kiệm và tồn tại song song gói thứ 2 là cho người vay trong tương lai, họ gửi tiết kiệm ngay bây giờ, có người gửi sau 2 năm, 3 năm và sau 5 năm. “Hai gói này tồn tại song song, người có nhu cầu sớm thì xếp hàng vay ngay, còn người nào có nhu cầu trong tương lai thì gửi nhận để sau vài năm được vay”, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết.

“Để đảm bảo nguồn vốn, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung thêm nguồn vốn để NHCSXH thực hiện cho vay. Trước mắt đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, trong đó bổ sung vốn cho NHCSXH để cho vay là 3.000 tỷ đồng theo văn bản số 1248/BXD-QLN ngày 28/5/2018 của Bộ Xây dựng về việc bổ sung vốn tín dụng cho lĩnh vực nhà ở xã hội”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý kiến nghị.

Một số đại biểu Quốc hội đưa ra 4 phương thức tăng khả năng vốn cho nhà ở xã hội. Trong đó, các địa phương cần chủ động cân đối nguồn hỗ trợ người dân vay mua nhà ở xã hội thông qua NHCSXH. Đây là hình thức mà Đà Nẵng và Bắc Ninh triển khai khá hiệu quả. Thứ hai là cần có chính sách cấp bù để các NHTM tham gia. Đặc biệt với 4 NHTM Nhà nước cần phải coi đây là một phần thực thi trách nhiệm đối với xã hội. Một giải pháp khác đó là lồng ghép chính sách nhà ở xã hội với các chính sách khác đặc biệt là có thể trích nguồn từ 2 chương trình mục tiêu Quốc gia vì nhà ở xã hội cũng là một tiêu chí quan trọng của các chương trình này.

Nhìn nhận sửa đổi Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13 là đảm bảo về căn cơ lâu dài, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra “khe cửa hẹp” có thể tận dụng đó là đề đạt Quốc hội bố trí nguồn từ nguồn vốn dự phòng. “Trên diễn đàn Quốc hội, có nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu, nhà ở xã hội, nhà ở Khu công nghiệp là vấn đề rất cấp bách giống như lũ lụt, lở đất. Vậy dùng 180.000 tỷ đồng vốn dự phòng này có thể cắt được ra vài nghìn tỷ cho thực hiện vấn đề này thì cũng giải quyết được vấn đề. Đây là 4 khía cạnh có tính nhân văn, nếu Chính phủ và Quốc hội quyết tâm được thì tăng vốn cho chương trình nhà ở xã hội sẽ thành công”, các đại biểu Quốc hội nói.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh cần có thêm sự tham gia hỗ trợ của chính doanh nghiệp đối với người lao động của họ. Phó Chủ nhiệm cũng khuyến nghị Chính phủ cần phải xác định lại rõ ràng nhu cầu của người dân về nhà ở xã hội, để từ đó chỉ ra được nguồn vốn thiếu bao nhiều và xác định nguồn vốn hỗ trợ lấy từ nguồn nào để Quốc hội xem xét. Và cho rằng, nguồn vốn này nên tiếp tục đưa qua NHCSXH làm đầu mối giải ngân bởi thời gian qua, NHCSXH là một điểm sáng trong việc giải ngân các chương trình tín dụng chính sách hội vừa phủ rộng, đúng đối tượng, đặc biệt là chất lượng giải ngân hiệu quả với nợ quá hạn ở mức đảm bảo cho phép.

Bài và ảnh Minh Ngọc

Các tin bài khác