Chất lượng tín dụng chính sách ở huyện Phú Lương

12/10/2014
(VBSP News) Nhiều năm nay, NHCSXH huyện Phú Lương (Thái Nguyên) không những luôn tăng trưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, mà còn có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất trên địa bàn tỉnh, với số tiền 25,2 triệu đồng, chiếm gần 0,01% của tổng dư nợ. Đạt được kết quả này là do NHCSXH huyện luôn quan tâm, chú trọng công tác bình xét cho vay và quản lý nguồn vốn thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Tại các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ viên đều tham gia ý kiến, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sử dụng vốn vay

Tại các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ viên đều tham gia ý kiến, cùng nhau trao đổi
kinh nghiệm sử dụng vốn vay

Hiện tại, vùng dân tộc miền núi rộng lớn Phú Lương có 350 Tổ tiết kiệm và vay vốn đã được NHCSXH huyện phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể xây dựng, củng cố hoạt động ở khắp 274 thôn, xóm, bản, làng, khu dân cư. Hầu hết các Ban quản lý tổ và Tổ trưởng được tập huấn nghiệp vụ ngân hàng. Mặt khác, cán bộ tín dụng bám chắc địa bàn, hiểu cụ thể khách hàng và hướng dẫn cách ghi chép Sổ vay vốn cho mọi thành viên. Đặc biệt, cùng với việc công khai thông báo danh sách hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi để mọi người cùng biết, cùng bàn, cùng giám sát, NHCSXH còn tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại 100% số xã, thị trấn nên đã góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng tín dụng.

Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương có 37 thành viên, chủ yếu là hộ dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi thuận lợi, bà con trong tổ bình xét dân chủ, công bằng đối tượng được vay. Sau mỗi đợt giải ngân, Ban quản lý tổ còn thường xuyên nhắc nhở, giúp đỡ tổ viên sử dụng vốn sao cho đúng mục đích, đạt hiệu quả. Với hơn 800 triệu đồng vay từ NHCSXH, bà con trong xóm Đồng Tâm đã đầu tư nuôi trâu, bò. Anh Sầm Văn Giàng - Trưởng xóm Đồng Tâm cho biết: Nhờ đồng vốn ưu đãi làm “bà đỡ” mát tay, cả xóm đã nuôi được 35 con trâu, 10 con bò. Một số thành viên như anh Dương Văn Sự, Lý Văn Sào, Sầm Văn Sự… sử dụng vốn vay đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản, sau 2 năm đã có lãi tới 30 triệu đồng, vừa thoát nghèo, lại sớm hoàn trả vốn vay cho ngân hàng.

Theo đánh giá của UBND huyện Phú Lương, các hộ vay vốn ưu đãi từ NHCSXH đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn (tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phú Lương còn 12,18%, giảm 2% so với năm 2012). Cùng với đó, các hộ dân cũng nêu cao ý thức gửi tiền tiết kiệm hàng tháng thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, với số tiền gần 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH còn có hạn, nhất là ở các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, NS&VSMT, giải quyết việc làm. Vì vậy, mong sao bên cạnh nguồn vốn phân bổ của Trung ương, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của chính quyền địa phương nhằm tăng nguồn vốn uỷ thác cho NHCSXH triển khai cho vay giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Bài và ảnh Bùi Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác