Cầu nối giữa ngân hàng với nông dân

17/12/2016
(VBSP News) Tỉnh Yên Bái được xem là cửa ngõ của khu vực Tây Bắc, có đến hơn 1/3 số xã ở miền núi cao nằm trong diện đặc biệt khó khăn và gần 78% lao động thuần tuý sản xuất nông, lâm nghiệp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, hiệu quả thấp. Đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Xuất phát từ đặc thù đó, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 78 về chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã ký chương trình phối hợp với NHCSXH cùng cấp để thực hiện nhiệm vụ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.
Các hộ nông dân nghèo của tỉnh Yên Bái vay vốn ưu đãi chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi

Các hộ nông dân nghèo của tỉnh Yên Bái vay vốn ưu đãi chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi

14 năm liên tục, các cấp Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã xác định hoạt động uỷ thác cho vay là nhiệm vụ trọng tâm của hội trong việc hỗ trợ hội viên vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, đồng thời được đưa vào kế hoạch công tác trong năm của đơn vị. Hội Nông dân tỉnh còn thường xuyên chỉ đạo các cấp hội cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền làm tốt công tác kiểm tra, rà soát các đối tượng có đủ điều kiện vay vốn để chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến đúng địa chỉ.

Để đồng vốn phát huy hiệu quả, hàng năm, Hội Nông dân còn phối hợp với NHCSXH cùng cấp tại địa phương tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội chuyên trách làm nhiệm vụ uỷ thác, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn về kiến thức quản lý vốn vay. Việc phát huy hiệu quả đồng vốn đã trở thành tiêu chí bình xét phân loại thi đua phong trào của đơn vị để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích, đạt kết quả thiết thực.

Cùng với đó, cán bộ Hội Nông dân các cấp đã tích cực tuyên truyền đến hội viên nông dân về các chương trình tín dụng của NHCSXH cũng như các mô hình SXKD giỏi từ nguồn vốn ưu đãi; thông qua đó đã phát động được phong trào nông dân thi đua tìm hướng đi mới thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu; vận động đồng bào dân tộc từ bỏ phong tục tập quán canh tác cũ, lạc hậu để tiếp cận với phương thức SXKD mới giúp tăng năng suất lao động, nuôi trồng nhiều loại cây, con đặc sản có giá trị kinh tế, hàng hóa như quế, chè, tre măng bát đô, chăn nuôi bò laisind, ba ba, nhím, kỳ đà… Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cũng đã phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn hội viên sử dụng vốn vay chính sách lồng ghép với chuyển giao tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi như mở rộng hình thức, nội dung các buổi toạ đàm theo chuyên đề xử lý chất thải rắn trong nông nghiệp, tạo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, xây bể biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi, tạo khí đốt, giảm chi phí và tránh ô nhiễm môi trường; áp dụng các mô hình chuyên canh, thâm canh có quy mô lớn, góp phần cải thiện, nâng cao năng suất chất lượng làm chuyển biến rõ rệt nhận thức làm ăn cho các hội viên nông dân.

NHCSXH giao dịch với bà con vùng cao xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải

NHCSXH giao dịch với bà con vùng cao xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải

Dư nợ tín dụng của NHCSXH ủy thác qua Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đến nay đạt trên 645 tỷ đồng, với 25.562 hộ hội viên nông dân được vay vốn, thông qua 759 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,12% dư nợ.

Qua đánh giá hoạt động uỷ thác cho vay của Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã đạt được hiệu quả thiết thực. Cụ thể hàng năm tỷ lệ hộ hội viên nông dân nghèo giảm đáng kể, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hộ. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, các hội viên nông dân đã đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, mở rộng loại hình dịch vụ như mô hình chăn nuôi trâu bò ở 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải; mô hình nuôi lợn ở thị xã Nghĩa Lộ; mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng ở Trấn Yên, Yên Bình… như điển hình làm kinh tế giỏi, thoát nghèo bền vững có ông Trần Đức Hoàn ở thôn 8, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên vay vốn hộ nghèo phát triển chăn nuôi 50 con lợn thịt/lứa; hộ ông Lò Văn Bương ở thôn Hát Lừu, huyện Trạm Tấu; nhà bà Lê Thị Lan ở xã An Lạc, huyện Lục Yên đã dùng vốn vay chính sách xây dựng được cơ ngơi sản xuất có thu nhập từ 80 triệu đồng mỗi năm. Thông qua chương trình vay vốn uỷ thác, nhiều cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phát huy được vai trò trách nhiệm của mình, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2017, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái sẽ chú trọng đến công tác truyền thông, bằng cách đưa thông tin tín dụng chính sách đến từng hội viên, nhân rộng các mô hình hộ vay vốn đầu tư vào sản xuất thực sự có hiệu quả, tăng cường phối hợp, lồng ghép các hoạt động hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất giúp hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững, làm chủ cuộc sống.

Bài và ảnh Thanh An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác