Bừng sáng vùng cao Mù Cang Chải

06/11/2019
(VBSP News) Vậy là gần trọn một ngày trời ngồi bó gối trong lòng chiếc xe ô tô chuyên dụng, vượt qua đèo Khâu Phạ là một trong “Tứ Đại đèo của vùng Tây Bắc, chúng tôi đã đến được huyện Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn. Con đường lên vùng cao hơn 1000m so với mặt nước biển này vốn gập ghềnh, xa xăm đã được mở rộng thênh thang, trải nhựa phẳng phiu, ngày đêm nhộn nhịp các loại xe lớn, xe nhỏ chạy.
NHCSXH huyện Mù Cang Chải giải ngân vốn vay tại Điểm giao dịch xã

NHCSXH huyện Mù Cang Chải giải ngân vốn vay tại Điểm giao dịch xã

Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải, Nông Việt Yên chia sẻ: Sở dĩ miền núi cao đang xích lại gần với miền đồng bằng không chỉ bởi đường xá đi lại dễ dàng và các danh thắng độc đáo như những thửa ruộng bậc thang, đồi lúa mâm xôi, móng ngựa ở xã La Pán Tẩn cùng những ngôi nhà sàn thoáng đãng của người Mông, người Thái ở xã Chế Cu Nha, Kim Nọi, mà chủ yếu là sự đổi thay từng ngày ở rẻo cao.

Nhớ lại mới ngày nào, cái nghèo luôn bám ráo riết từng nhà dân, khắp bản làng nay Mù Cang Chải bị đẩy lùi do được các chính sách, chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước hỗ trợ đầu tư, trong đó đáng kể đến hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách cùng sự nỗ lực vươn lên của lãnh đạo và nhân dân địa phương. Cách đây 10 năm ở Mù Cang Chải, nơi sinh sống của 99% đồng bào DTTS, trong đó người Mông chiếm 91%, có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 59% đã nằm trong tốp 64 huyện nghèo nhất nước và 13/14 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nhưng bây giờ chỉ còn 3.720/10278 hộ nghèo, giảm bình quân từ 2,3%/năm. Các xã Chế Tạo, Dế Xu Phình, Nậm Khắt đã ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn. Bản làng khắp vùng cao bừng sáng; cuộc sống đồng bào dân tộc thêm no đủ, tươi vui.

Động lực giúp cho vùng cao Mù Cang Chải khởi sắc thì có nhiều nhưng một trong những động lực chính là sự tập trung nguồn lực, trong đó chủ yếu là nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ thiết thực người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý, thâm canh ruộng vườn cao, trồng rừng, bảo vệ rừng tốt.

Rõ ràng, nhiều năm qua, nhất là từ khi các cấp ủy, chính quyền, các Ban ngành đoàn thể, các tầng lớp cán bộ, đảng viên nhân dân toàn địa bàn triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, vùng cao Mù Cang Chải đã được NHCSXH trung ương chuyển về số lượng vốn khá lớn và UBND huyện cũng cân đối thu, chi từ nguồn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH 1,6 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách lên 245 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

5 năm qua, nhờ vay vốn chính sách thuận lợi, kịp thời, với số lượng nhiều hơn, lại thêm sự đổi mới quy trình, phương thức cấp tín dụng của NHCSXH, cùng những cán bộ tín dụng luôn tận tâm, bám bản, bám dân chuyển tải đồng vốn đến tận cơ sở  đồng bào DTTS ở Mù Cang Chải đã chủ động trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, thâm canh lúa, rau màu giống mới, nuôi vỗ béo đàn gia súc, gia cầm….

Chúng tôi đến Chế Tạo là xã khó khăn nhất trong có xã của Mù Cang Chải. Nơi đây có 100% người H Mông sinh sống và còn đến 5/7 thôn chưa có điện thắp sáng, không có đường cho ô tô vào, vậy mà được NHCSXH phủ sóng liên tục từ năm 2003 đến nay, nghĩa là 17 năm qua, thông qua các Tổ TK&VV ở từng thôn bản và các hội đoàn thể làm ủy thác hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo được tiếp cận dễ dàng với các chương trình tín dụng chính sách ngay tại Điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại trụ sở UBND xã.

Ông Sùng A Chống - Chủ tịch UBND xã Chế Tạo cho biết: Mười bẩy năm qua, nhất là từ năm 2015thực hiện Chỉ thị 40 của Đảng về tín dụng chính sách xã hội, người Mông ở 7 bản trong xã được vay vốn thuận lợi, kịp thời. Đảng bộ và chính quyền xã luôn phối hợp nhịp nhàng với NHCSXH và các ban ngành chức năng trên huyện làm tốt việc động viên, hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay đúng mục đích phát triển sản xuất, xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi thu kết quả kinh tế cao, đồng thời đảm bảo trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng đầy đủ, đúng kỳ hạn; nên đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 59% cuối năm 2014 xuống còn 34% cuối năm 2018, trong đó nhiều hộ gia đình đã làm ăn khá giả từ đồng vốn vay chính sách. Đơn cử về gia đình anh Giàng A Lý, 30 tuổi, dân tộc Mông ở bản Chế Tạo, xã Chế Tạo vay 50 triệu đồng vốn dành cho hộ nghèo từ năm 2016. Với nguồn vốn ưu đãi đó, anh Lý quyết định xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. Nhờ đức tính lao động cần cù và sự mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, ngày nay Giàng A Lý có hẳn một cơ ngơi bao gồm đàn trâu 8 con béo khỏe, 3 ha keo xanh tốt, 8 sào vườn cây ăn quả đặc sản sai trĩu cành, thu lãi cả trăm triệu đồng hàng năm

Cùng ở xã Chế Tạo, ông Giàng A Chẩy đã sử dụng vốn ưu đãi dành riêng cho những gia đình đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn đầu tư nuôi 200 con gà đen, trồng 7 sào ha lúa cao sản, 5 sào ngô lai, đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh

Rời Chế Tạo, chúng tôi xuôi về xã Nậm Khắt, gặp gỡ các hộ dân sử dụng vốn vay chính sách hiệu quả trong sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Anh Thào A Chống ở bản Bào, hồ hởi nói: “Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể địa phương và NHCSXH huyện mà 100% người Mông ta được vay vốn ưu đãi kịp thời và đã bỏ hẳn tập quán đốt rừng làm rẫy, không còn túng thiếu, lại biết cách nuôi trâu bò vỗ béo, chăm sóc vườn chè sạch, bán được giá, sửa sang nhà ở, sắm sanh máy cày đất, xe ô tô chở vật tư phục vụ sản xuất.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt Thào A Páo khẳng định: Tín dụng chính sách như luồng gió mới làm thay đổi bộ mặt bản làng vùng cao và cải thiện đời sống đồng bào DTTS. Nguồn vốn chính sách cũng góp phần quan trọng giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo mà xã từ hơn 50% cách đây 5 năm giờ còn có 20,8%.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, huyện miền núi cao Mù Cang Chải đã xích lại gần với miền xuôi, không còn cảnh xa nhất, cao nhất, nghèo nhất nữa. Các làng bản trong vùng sâu, trên vùng cao đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Các hộ đồng bào dân tộc Mông, Thái đã vơi đi cuộc sống nhọc nhằn, lạc hậu, ngày càng tin yêu NHCSXH vì đã thực hiện triển khai tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách và luôn đồng hành, tạo thành động lực mới giúp đỡ các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi dân tộc thay đổi, bừng sáng.

Bài và ảnh Đông Dư

Các tin bài khác