Gieo mầm no ấm trên cao nguyên đá
Phát huy vai trò của “cánh tay nối dài”
Với một tỉnh nằm ở cực Bắc của Tổ quốc như Hà Giang, nơi có 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, 134 xã, 1.405 thôn đặc biệt khó khăn thì nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có ý nghĩa đặc biệt với người dân.
Nơi đây, hầu hết đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, cư trú chủ yếu là vùng núi cao, địa hình bị chia cắt, độ dốc lớn, núi đá, thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt; đa số các thôn, bản đều xa thị trấn và trung tâm xã. Chính vì điều kiện như vậy nên để giúp bà con tiếp cận vốn vay ưu đãi, NHCSXH tỉnh Hà Giang luôn quan tâm làm tốt công tác xây dựng mạng lưới Điểm giao dịch xã và tổ chức hoạt động của Tổ giao dịch xã để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hiện nay, Hà Giang đã tổ chức được 195 Điểm giao dịch xã, tiết giảm các chi phí giao dịch của người vay, nhất là hộ DTTS ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn; thực hiện dân chủ, công khai việc cho vay vốn tín dụng chính sách. Trên 80% hoạt động giao dịch của NHCSXH tỉnh với khách hàng được thực hiện tại Điểm giao dịch xã đã tạo ra hình ảnh đẹp, được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ.
Thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đã góp phần tạo nên “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với quần chúng nhân dân; trong đó có đồng bào DTTS. Qua đó, giữ vững ổn định chính trị xã hội và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn trọng yếu, đặc biệt là các xã đặc biệt khó khăn, xã giáp biên tại tỉnh Hà Giang.
Xây dựng được mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trở thành “cánh tay nối dài” trong việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến người dân cũng luôn được NHCSXH tỉnh Hà Giang quan tâm. Thông qua mạng lưới 2.647 Tổ tiết kiệm và vay vốn kết hợp tổ chức giao dịch tại xã, NHCSXH đã đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn.
Đồng thời, hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần cùng NHCSXH quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng chính sách từ khâu bình xét, sử dụng vốn đến khâu trả nợ, trả lãi. Vì thế mà vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo và góp phần ổn định chính trị xã hội tại cơ sở.
NHCSXH tỉnh Hà Giang đã thực hiện ủy thác một số nội dung công việc phù hợp với năng lực quản lý, phương thức hoạt động trong quy trình cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội. Nhờ đó, phát huy được những điểm mạnh của tổ chức hội, đoàn thể như: mạng lưới rộng khắp, đội ngũ cán bộ đông, nhiệt tình đến tất cả các xã, thôn, bản. Các hội, đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, bình xét cho vay, giám sát sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi, hướng dẫn về cách thức sản xuất, làm ăn đạt hiệu quả; tham gia và giám sát việc thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn
Đến hết quý I/2020, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Hà Giang đạt 2.962 tỷ đồng với 82.563 khách hàng còn dư nợ, tăng 67.202 triệu đồng so với năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng 2,32%. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 2.625 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; 1.243 lượt hộ tại vùng khó khăn được vay vốn phát triển kinh doanh; 573 lao động được tạo việc làm; 13 căn nhà ở cho hộ nghèo được xây dựng; 1.150 công trình NS&VSMTNT.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang được đầu tư chủ yếu vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập…
Các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hộ đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để SXKD, tạo thu nhập, nâng cao trình độ SXKD và quản lý vốn. Từ đó đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn cho hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là tại các địa bàn huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Hộ đồng bào DTTS đã tự tin hơn và tăng dần vị thế trong xã hội, đồng thời từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ các địa phương trong toàn tỉnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng (đầu tư trồng cây ăn quả, trồng rừng đối với các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên; đầu tư phát triển đàn gia súc tại các huyện 30a, phát triển du lịch trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn…); bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước gắn với yêu cầu phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào DTTS trong tỉnh với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã yên tâm SXKD, xóa bỏ dần tình trạng du canh du cư (một đặc thù của người dân tộc H’Mông tại địa phương), từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu tại chính mảnh đất quê hương.
Bài và ảnh Thanh Trà
Các tin bài khác
- » Sát cánh cùng người dân vượt khó bởi dịch Covid-19
- » Ngân hàng Nhà nước phục vụ ai?
- » Về nơi in dấu chân Người
- » Tháng Năm và đạo lý dân tộc “ăn quả nhớ người trồng cây”
- » Khánh thành Đền Chung Sơn, đền thờ gia tiên Bác Hồ
- » Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Ngân hàng Việt Nam
- » Nhân lên những giá trị tốt đẹp từ tư tưởng Hồ Chí Minh
- » Học Bác Hồ về tiết kiệm và chăm lo cho người nghèo
- » Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng
- » Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt bạn bè quốc tế