Trao “cần câu” tạo động lực

23/03/2020
(VBSP News) Với một huyện miền núi, đồng bào DTTS chiếm đa số như Yên Lập (Phú Thọ), “bài toán” thoát nghèo đã và đang được địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện. Hiệu quả được thể hiện rõ rệt từ việc cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cùng sự cố gắng nỗ lực vươn lên của người dân đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm dần theo từng năm, trong đó có sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn của NHCSXH trên địa bàn. Biến ước mơ thành hiện thực.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, rừng quế 2ha của gia đình anh Hà Minh Thược sắp thu hoạch, dự kiến thu nhập gần 200 triệu đồng

Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, rừng quế 2ha của gia đình anh Hà Minh Thược sắp thu hoạch, dự kiến thu nhập gần 200 triệu đồng

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Đinh Thị Thơm ở khu Đình thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn xã Phúc Khánh, đúng lúc chị đang cho đàn trâu, bò ăn. Thức ăn chỉ là cỏ, cây chuối non, cám gạo thế nhưng đôi bò trị giá 40 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ nghèo sau hơn một năm đã sinh sản thêm một con bê đang lớn.
Đón khách vào nhà, chị Thơm giãi bày: “Cảnh nhà đông con, gánh nặng cơm áo khiến cả vợ chồng chị phải gồng mình bươn chải, nhưng cũng chỉ biết bám vào đồng ruộng để sống qua ngày. Vì thế, ước mơ thoát khỏi cảnh nghèo khó ngày càng nung nấu trong suy nghĩ của tôi. Tuy đồng đất sẵn có, thế nhưng vốn làm ăn thì không có nên hai vợ chồng cứ loay hoay không biết làm sao để thoát nghèo?!”.
Năm 2017, qua rà soát, gia đình chị Thơm được công nhận là hộ nghèo và được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH để bò về nuôi. Niềm vui hiện rõ trong nếp nhà của chị khi cặp bò đầu tiên được vay bắt đầu sinh sản và sẽ dần được nhân lên. Đây là bước ngoặt đầu tiên để gia đình chị biến ước mơ thoát nghèo thành hiện thực.
Cùng với gia đình chị Thơm, gia đình anh Hà Minh Thược ở khu Du cũng được vay vốn hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế từ NHCSXH để đầu tư vào chăn nuôi và trồng rừng. Anh Thược phấn khởi cho biết: “Nhờ Chính phủ quan tâm tạo điều kiện vốn vay cho người nghèo, chúng tôi như được trao “chiếc cần câu” để phát triển kinh tế. Để trả ơn cho điều đó, không chỉ gia đình tôi mà còn nhiều hộ nghèo được vay vốn ưu đãi đã cố gắng sử dụng nguồn vốn vay hợp lý, hiệu quả với mong muốn vươn lên thoát nghèo”. Với bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm, từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng, gia đình anh Thược đã đầu tư trồng 2ha quế, mua trâu sinh sản và lấy sức kéo, nhờ đó kinh tế ngày càng khá lên, đến năm 2019 gia đình anh Thược đã thoát nghèo.
Ông Lê Thanh Liêm - Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh cho biết: Nhiều năm qua, cùng với việc tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình như 135, an toàn khu và nông thôn mới, xã luôn quan tâm đến việc phối hợp, tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH. Toàn xã có 12 khu, 21 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hiện có trên 900 hộ được vay vốn, tổng dư nợ trên 25 tỷ đồng chủ yếu cho hộ nghèo và hộ cận nghèo vay phát triển kinh tế, tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà, chè, bưởi, trồng rừng… Hiệu quả từ nguồn vốn vay đã góp phần tích cực để tỷ lệ hộ nghèo giảm dần hàng năm: Năm 2019 xã còn 196 hộ nghèo, giảm 2,5% so với năm 2018 bằng 42 hộ. Dự kiến năm 2020 tiếp tục giảm 57 hộ nghèo, 50 hộ cận nghèo.
“Điểm tựa” cho hộ nghèo
Bám sát mục tiêu thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, các đối tượng chính sách khác; đồng thời được coi là một trong những công cụ “đòn bẩy” kinh tế của Nhà nước nhằm giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, NHCSXH huyện Yên Lập đã hỗ trợ nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Qua tham quan các mô hình kinh tế của một số hộ nghèo và thống kê của các Tổ tiết kiệm vay vốn của các khu cho vay đối với các chương trình đã góp phần tích cực giúp các hộ nghèo, đối tượng chính sách có “điểm tựa” tạo niềm tin, động lực để họ vươn lên phát triển kinh tế. Tuy rằng, nguồn vốn vay chưa nhiều, song đã giúp nhiều gia đình có bước ngoặt mới từ diện hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo.
Hiệu quả của các chương trình cho vay các hộ nghèo và đối tượng chính sách, NHCSXH huyện Yên Lập đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân, góp phần củng cố lòng tin của họ đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc NHCSXH huyện Yên Lập cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ tín dụng tại huyện miền núi đa số là dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, với nhiệm vụ, chức năng của ngân hàng, chúng tôi đã tạo mọi điều kiện giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng, thuận lợi nhất. Hàng năm chúng tôi đã tiến hành rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo để thẩm định, bố trí nguồn vốn về các xã, khu dân cư chính xác, đúng đối tượng. Tổng dư nợ 14 chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đến nay là trên 410 tỷ đồng, số hộ khách hàng còn dư nợ là 11.334 khách hàng, bình quân dư nợ đạt 36 triệu đồng/hộ. Các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả kinh tế và trả gốc, lãi đúng hạn”. Thông qua các chương trình tín dụng, vốn vay ưu đãi của Nhà nước đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn đầu tư SXKD, có việc làm và có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 13,2% năm 2018 xuống còn 10,21% năm 2019 và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 10,9% năm 2018 xuống còn 10,58% năm 2019.
Không bỏ lại người nghèo lại phía sau, nguồn vốn vay hỗ trợ của Nhà nước đã như “luồng gió” mới “thổi lên” những ước mơ, khát vọng vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo đồng bào DTTS. Đã có không ít các mô hình kinh tế của nhiều gia đình ấp ủ lâu nay đã trở thành hiện thực, giúp họ ổn định đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Huyền Nga

Các tin bài khác