Có tiền đầu tư trồng nấm, nông dân nhanh thoát nghèo

04/03/2020
(VBSP News) Phát huy vai trò “cầu nối” nhận ủy thác vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, những năm qua, Hội Nông dân huyện Thường Tín (TP Hà Nội) đã làm tốt công tác quản lý, giải ngân vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các mô hình vay vốn sản xuất; trong đó có trồng nấm giúp nông dân có tiền, nhanh thoát nghèo.

 

Hội Nông dân huyện Thường Tín thăm mô hình nấm của chị Nguyễn Thị Lan Phương

Hội Nông dân huyện Thường Tín thăm mô hình nấm của chị Nguyễn Thị Lan Phương

Nguồn lực giúp nông dân làm giàu
Vào những ngày giao dịch tại trụ sở UBND xã Yên Thái, huyện Thường Tín người dân tấp nập, người đến vay mới, người đến trả nợ. Nhiều bác nông dân phấn khởi bày tỏ, ngân hàng cho vay vốn ưu đãi đến tận xã như này, dân nghèo an tâm, cố gắng tăng gia sản xuất phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.
Giám đốc NHCSXH huyện Thường Tín Vũ Thị Thanh Hương cho biết: Hội Nông dân huyện luôn thực hiện tốt các công tác ủy thác với NHCSXH; triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách của ngân hàng; nguồn vốn được giải ngân nhanh, đúng đối tượng.
Chị Nguyễn Thị Vân ở xã Yên Thái từ lâu đã có sẵn nghề truyền thống sơn mài, chị được tiếp cận nguồn vốn của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo 40 triệu đồng và 12 triệu đồng chương trình NS&VSMTNT. Từ nguồn vốn này, cùng với số tiền tích luỹ góp từ những dịp đi làm thuê, chị Vân đã đầu tư mở xưởng sản xuất và xuất khẩu. Các sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang Singapore, Đức, Mỹ… Xưởng sản xuất mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình chị và tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với thu nhập bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Chị Vân phấn khởi cho biết: “Nhờ vay vốn ưu đãi, gia đình tôi và nhiều gia đình khác trong xã đã có điều kiện để tăng gia sản xuất, đời sống được nâng cao”.
Ở thị trấn Thường Tín, chị Nguyễn Thị Lan Phương quanh năm loay hoay với cây lúa, vườn rau và cái nghèo cứ bám chặt. Năm 2016, qua Hội Nông dân xã, chị được vay 40 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư trồng nấm. Sau một thời gian, cây nấm bắt đầu cho thu hoạch. Hiện, gia đình chị đã mở rộng diện tích  trang trại trồng nấm với diện tích 1.200m², cho sản lượng 3,6 tấn/tháng. Sau khi trừ chi phí, mô hình cho thu lãi từ 20 - 30 triệu/tháng. Từ mô hình của chị đã tạo việc làm cho 8 - 10 lao động, với mức thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Không có nợ quá hạn
Hiện nay, Hội Nông dân huyện Thường Tín đang quản lý 73 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ trên 80 tỷ đồng cho 2.000 hộ vay vốn; không có nợ quá hạn và là đơn vị có dư nợ ủy thác lớn thứ hai trên địa bàn huyện. Từ nguồn vốn đó, các hội viên vay vốn để đầu tư mở rộng trồng rừng, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ đều có hiệu quả. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thường Tín Hoàng Văn Nhiên cho biết: Xác định nhận ủy thác là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo, ngay từ đầu các năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua của hội gắn với thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, hoạt động ủy thác qua tổ chức hội ngày càng được nâng lên.
Để nguồn vốn ủy thác phát huy hiệu quả, hàng năm, cán bộ huyện Hội và Hội cơ sở, các Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đều tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý, sử dụng vốn vay do NHCSXH huyện tổ chức. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động hội viên tham dự các lớp tập huấn chuyển giao KHKT để có kiến thức áp dụng vào sản xuất, phát huy hiệu quả vốn vay.
Bên cạnh đào tạo, tập huấn, Hội còn duy trì tốt công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn; chỉ đạo các hội cơ sở nhận ủy thác kiểm tra 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong năm 2019, hội đã kiểm tra 29/29 xã, thị trấn; mỗi xã kiểm tra 01 Tổ tiết kiệm và vay vốn và tối thiểu 06 hộ vay… Qua kiểm tra, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả lãi đúng hạn. 100% các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động khá, tốt, không có tổ trung bình, yếu.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Thường Tín tiếp tục đẩy mạnh chương trình ủy thác với NHCSXH. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tín dụng; củng cố các Tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội làm công tác ủy thác; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo 100% nguồn vốn được nông dân sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

Bài và ảnh Thu Hà

Các tin bài khác