Diện mạo mới vùng núi cao Tân Sơn
Đến Tân Sơn vào dịp xuân năm nay, chúng tôi thấy vùng núi cao này đã “thay da đổi thịt”, hiện rõ màu xanh mênh mông của những nương ngô, đồi chè và nhiều ngôi nhà khang trang, kiên cố thay thế cho những căn nhà tạm bợ, xập xệ xưa kia.
Chia sẻ với chúng tôi, Bí thư huyện ủy Phạm Thanh Tùng khẳng định: Sự hỗ trợ của NHCSXH với địa phương là một trong những động lực chính giúp các Chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Tân Sơn thời gian qua đạt kết quả tương đối ổn định, toàn diện, đời sống người dân được nâng lên. Hầu hết hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS đều tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.
Gia đình anh Nguyễn Văn Trường ở thôn Mịn 2, xã Mỹ Thuận là điển hình thoát nghèo từ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH. Năm 2014, gia đình anh được vay 40 triệu đồng. Có vốn, cùng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng, bà con lối xóm, anh đã thuê 150m2 đất làm xưởng sản xuất chè khô, đầu tư mua máy vò, máy sao chè. Nhờ miệt mài sớm tối, không chỉ thoát nghèo mà đến nay gia đình anh đã có xưởng sản xuất chè khô tương đối lớn. Anh đã thuê thêm đất mở rộng diện tích nhà xưởng 600m2, trang bị được 8 bom sao chè thay thế những bom cũ cùng máy vò, máy sấy công nghệ mới. Hiện, mỗi ngày xưởng chè của anh tiêu thụ khoảng 5 tạ chè búp tươi, giải quyết việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng, trừ chi phí, anh chị còn thu lãi 20 triệu đồng/tháng. “Thoát nghèo và có được thành công bước đầu trong SXKD như ngày hôm nay, gia đình tôi thực sự trân trọng nguồn vốn ban đầu được vay của NHCSXH. Từ đó vợ chồng tôi mới có thực lực vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa đầu tư”, anh Trường chia sẻ.
Cũng là hộ nghèo vay vốn ưu đãi, chị Hà Thị Kiểm cùng ở xã Mỹ Thuận cho hay: “Năm 2014, gia đình tôi được vay 40 triệu đồng. Có vốn, gia đình đầu tư mua trâu, bò, lợn nái và mua phân bón chăm sóc 1ha chè. Đến đầu năm nay thì trâu đã sinh sản được nghé con, còn bò đang chuẩn bị đẻ; lợn nái cũng đẻ được 3 lứa; chè cho thu hoạch hơn 4 tấn búp. Sau khi trừ chi phí, thu nhập của gia đình chị đạt khoảng 60 triệu đồng/năm”.
Gia đình chị đã thoát nghèo. Sang xuân mới 2020, được sự giúp đỡ của chính quyền đoàn thể địa phương và NHCSXH huyện, chị Kiểm lại vừa được tiếp tục được vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo để phát triển chăn nuôi hàng hóa.
Cùng với việc tập trung nguồn vốn, bố trí đủ nguồn vốn, lồng ghép các chính sách hỗ trợ giảm nghèo với các dự án thuộc chương trình ở huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135, NHCSXH huyện Tân Sơn đã nỗ lực cho vay xây nhà mới kiên cố, góp phần xóa xong nhà tạm bợ cho hộ nghèo. Đến hết năm 2019, hơn 3.300 ngôi nhà vách đất, tranh tre, nứa lá ở 17 xã vùng cao Tân Sơn đã nhường chỗ cho những ngôi nhà xây mới khang trang, kiên cố, tạo điều kiện cho các hộ nghèo yên tâm sản xuất vụ xuân 2020.
Trong căn nhà rộng hơn 100m2 vừa được hoàn thành, ông Đinh Văn Nghi, dân tộc Mường ở khu Mân Gạo, xã Vĩnh Tân tâm sự: “Nhà tôi trước đây là một trong 130 hộ nghèo của xã. Với 3 thế hệ gồm 6 nhân khẩu sống trong căn nhà lợp lá nên mùa đông gió lùa, ngày mưa dột nát, kinh tế gia đình luôn trong tình trạng túng thiếu”.
Sáu năm trước, nhờ chính sách vay vốn ưu đãi hỗ trợ lao động huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, con gái ông là Đinh Thị Oanh đi xuất khẩu tại Đài Loan. Sau 3 năm, chị Oanh đã gửi về gần 400 triệu đồng giúp gia đình xây được ngôi nhà kiên cố, trả hết nợ vay cho ngân hàng và đầu tư trồng 3,6ha chè sạch. Có được ngày hôm nay cũng nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, NHCSXH đối với những người dân nghèo như ông Nghi.
Gia đình chị Phùng Thị Vinh nằm trong diện hộ nghèo nhiều năm liền ở xã Vĩnh Tân. Năm 2012, được địa phương giao cho 9ha đất đồi sử dụng nhưng chị loay hoay không biết trồng cây gì có hiệu quả bởi sức lao động gia đình ít ỏi, chồng chị bị đau yếu luôn. Chị Vinh đã mạnh dạn vay 25 triệu đồng của NHCSXH để mua các giống cây keo, bồ đề trồng rừng sản xuất. Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết áp dụng KHKT vào trồng trọt, đến nay rừng keo và bồ đề của gia đình chị phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch.
Nguồn thu nhập từ vườn rừng, chuồng trại giúp vợ chồng chị mua được cả máy xay xát, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình. Năm 2018, chị còn được NHCSXH huyện cho vay thêm vốn ưu đãi theo chương trình xóa nhà tạm bợ cùng sự giúp đỡ của bà con thôn xóm để gia đình xây dựng ngôi nhà 3 gian mái bằng rộng rãi, thoáng mát.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tiên Đinh Công Quý cho biết: “Xã thường xuyên mở các đợt kiểm tra, rà soát lại tỷ lệ hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng gia đình, từng khu, từ đó lên phương án hỗ trợ. Không chỉ hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất, chính quyền xã còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, đồng thời tích cực tuyên truyền, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để bà con học tập”.
Việc ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a của cả nước, vừa là thành công cũng là thách thức đặt ra đối với huyện Tân Sơn trong phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo. Trong năm 2020, huyện sẽ chủ động rà soát, đánh giá toàn diện các chương trình, dự án, đánh giá hiệu quả, sự phù hợp của các mô hình sản xuất và chính sách hỗ trợ, đồng thời huy động các cấp ngành, tập trung nguồn lực cho chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, tăng thu nhập bình quân đạt 21 triệu đồng/người/năm.
Cùng các ngành, các cấp trên địa bàn, NHCSXH huyện Tân Sơn sẽ tập trung giải ngân vốn kịp thời, đổi mới phương thức đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn, góp phần phát triển SXKD để giảm nghèo bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý, hiệu quả ở một huyện vừa ra khỏi huyện nghèo 30a.
Bài và ảnh Đông Dư
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách tiếp sức hộ nghèo
- » NHCSXH nghiệm thu đề tài về công tác đào tạo nâng cao năng lực quản trị điều hành
- » Tín dụng chính sách tạo nguồn nhân lực cho đất nước
- » Áp phích, tờ rơi trực quan mới về phòng chống dịch bệnh COVID-19
- » Khi đồng vốn ưu đãi vượt sóng gió
- » An Giang ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho các huyện biên giới
- » Hiệu quả chương trình cho vay HSSV tại Hà Nam
- » Cần tăng cơ hội tiếp cận vốn chính sách cho thanh niên
- » Ươm mầm từ tín dụng chính sách
- » Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở huyện Bá Thước