Hải Dương: Động lực phát triển kinh tế bền vững

26/01/2020
(VBSP News) Nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Hồng, trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có lợi thế về giao thông, kinh tế - xã hội song đời sống của người dân Hải Dương vẫn còn khó khăn. “Chính vì vậy, cùng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Tỉnh ủy Hải Dương đã xác định công tác giảm nghèo, xây dựng NTM là một nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng, Chỉ thị số 40 ra đời đã tạo ra bước chuyển biến tích cực trong việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn”, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển nhìn lại chặng đường đã qua.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho biết Chỉ thị số 40 là quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho biết Chỉ thị số 40 là quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân

Làn gió phát triển kinh tế mới

Chị Tô Thị Chuyền sinh năm 1967 tại thôn Phù Tải   2, xã Kim Đính, huyện Kim Thành không nén nổi niềm vui nghẹn ngào khi chia sẻ sự đổi đời của gia đình mình từ “ánh sáng” Chỉ thị số 40. Dù đã từng vay vốn NHCSXH từ năm 2010, song chị cũng chỉ dám vay để cho người con thứ hai nhập học Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, với số tiền là 8,6 triệu đồng. Cuộc sống gia đình vẫn bộn bề nỗi lo cơm áo chỉ chòng chọc trông vào 1,1 mẫu ruộng nuôi 3 người con ăn học.

Chính vì vậy, năm 2014 cùng với chủ trương của chính quyền lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị đã mạnh dạn vay 19 triệu đồng hộ nghèo để chuyển đổi 5 sào ruộng năng suất thấp lập vườn trồng cây vải thiều, nhãn trên nền đất ruộng cũ. Kiến thức và kỹ năng chưa có của chị và gia đình đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Hội Nông dân xã với việc mời cán bộ khuyến nông về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, vườn cây ăn quả của chị, vì thế ngày một tăng năng suất. Đến giữa năm 2017, chị đã trả hết số nợ vay ban đầu của cả chương trình tín dụng HSSV và hộ nghèo. Tháng 5/2018, chị tiếp tục được địa phương quan tâm xét duyệt cho vay vốn hộ cận nghèo 50 triệu đồng để mở rộng mô hình sản xuất hiện có và tiếp tục nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng trong năm 2019 để chuyển đổi mục đích sang đào ao thả cá. Cháu thứ 3 của gia đình cũng đã nhập học Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội từ nguồn vốn vay HSSV lần đầu là 7,5 triệu đồng.

“Chỉ thị số 40 đã làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị đối với việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; vai trò, vị trí của tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện trong việc giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội”, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái nhìn lại kết quả 5 năm triển khai trên địa bàn.

Chị Tô Thị Chuyền, xã Kim Đính, huyện Kim Thành vui mừng chia sẻ sự đổi đời của gia đình mình từ “ánh sáng” Chỉ thị số 40

Chị Tô Thị Chuyền, xã Kim Đính, huyện Kim Thành vui mừng chia sẻ sự đổi đời của gia đình mình từ “ánh sáng” Chỉ thị số 40

Như ở huyện Tứ Kỳ, việc chính quyền chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phải xác định nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ là một trong những nội dung trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của đơn vị đã đem đến “làn gió mới” trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Những chuyển đổi này có thể nhìn thấy từ việc UBND xã, thị trấn xác định rõ vai trò trách nhiệm trong việc xác nhận đối tượng cho vay, theo dõi sử dụng vốn vay, đôn đốc xử lý kịp thời các khoản nợ đến hạn, thực hiện các biện pháp kiên quyết để thu hồi nợ, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào cơ chế, chính sách, tạo tâm lý muốn vay nhưng không muốn trả nợ trong nhân dân. Tín dụng chính sách xã hội vì thế tăng cả chất và lượng. Sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 40, NHCSXH huyện đã cho vay 1.972 lượt hộ nghèo, 1.960 hộ cận nghèo, 3.773 hộ mới thoát nghèo, góp phần giảm nghèo từ 7,7% năm 2015 xuống còn 2,58%; hộ cận nghèo từ 5,6% còn 3,91%; giúp 7.848 hộ xây dựng mới hoặc sửa chữa cải tạo được 15.696 công trình cung cấp  nước  sạch vàvệsinhmôi trường  nông   thôn, giải quyết  việc  làm cho 8.164 lao động tại chỗ ở địa phương, giúp cho 2.650 HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề.

Điểm tựa giảm nghèo, xây dựng NTM

Từ quan điểm tín dụng chính sách xã hội là công cụ quan trọng và trực tiếp thúc đẩy giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM, 05 năm qua nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tăng thêm 33 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn địa phương chuyển sang đến nay là hơn 61 tỷ đồng. Nguồn vốn này hòa cùng nguồn vốn của NHCSXH trong 5 năm qua đã hỗ trợ 196.087 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 5.523 tỷ đồng.Trong đó đã có 38.755 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho 6.518 lao động; giúp 608 hộ nghèo và gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; giúp 19.374 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 211.001 công trình cung cấp NS&VSMTNT, 310 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác… Những con số này đã góp phần đẩy nhanh tiến trình thực hiện NTM trên địa bàn. Tính đến nay, toàn tỉnh có 190/220 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 3 huyện, thành phố là Kinh Môn, Cẩm Giàng, Chí Linh về đích NTM. Các huyện Nam Sách, Gia Lộc, Thanh Miện, Bình Giang và thành phố Hải Dương đang đề nghị Trung ương thẩm định huyện NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tín dụng chính sách giúp nông dân Hải Dương có mùa màng bội thu

Tín dụng chính sách giúp nông dân Hải Dương có mùa màng bội thu

“Có thể khẳng định Chỉ thị số 40 là quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, khẳng định thêm chủ trương của Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách, chăm lo đến công tác an sinh xã hội, thông qua đó nhân dân tin tưởng hơn vào chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự gắn kết trong toàn đảng, toàn dân…”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển ghi nhận. Chính vì vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40, phát huy hơn nữa một chính sách nhân văn của Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, trong thời gian tới Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hoạt động thường xuyên.

Những hiệu ứng của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn cùng hứa hẹn những bứt phá mới khi đầu năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19- NQ/TU, trong đó nhấn mạnh “Mỗi năm ngân sách tỉnh dành từ 20 - 50 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo; trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí chuyển sang NHCSXH tỉnh Hải Dương để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”.

Bài và ảnh Lê Nguyễn

Các tin bài khác