Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài cuối - Bài học kinh nghiệm từ cơ sở)
Biến vùng đất khô cằn thành lợi thế
Chúng tôi về miền nắng gió Ninh Thuận vào đúng dịp được chung vui cùng đồng bào Chăm đón mừng lễ hội Katê 2019 với sự no đủ, phấn khởi. Trong ngôi nhà khang trang ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), bà Châu Thị Ân niềm nở đón khách bằng những ly trà măng tây khô do nhà làm ra.
Bà Ân kể hồi trước gia đình bà còn thuộc hộ nghèo, phải đi làm thuê bởi trên vùng đất cát khô cằn chẳng biết làm gì cho hiệu quả cũng như không có vốn. Vào giai đoạn khó khăn, bà được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi để mua 2 con bò nuôi vỗ béo và sinh sản. Bà còn được vay vốn cho các con đi học, xây công trình NS&VSMTNT,…
Năm 2017, khi xã có chủ trương phát triển cây măng tây xanh, bà Ân mạnh dạn bán bò lấy vốn và vay thêm NHCSXH đầu tư trồng 3 sào hết khoảng 135 triệu đồng. Trên vùng đất tiểu vùng sa mạc nổi tiếng với đồi cát Nam Cương này không ngờ cây măng tây xanh lại bén rễ cho hiệu quả cao. Bà Ân cho biết, măng tây trồng 4 tháng là cho thu hoạch liên tục 3 tháng, sau đó nghỉ 1 tháng chăm sóc. Sản lượng thu hoạch của mỗi sào là 10kg/ngày, giá bán 50.000 đồng/kg do HTX Tuấn Tú bao tiêu hết sản phẩm.
Sau khi trừ chi phí, bà Ân có lãi 1 triệu đồng/ngày với 3 sào măng tây xanh. Mà cây măng tây có vòng đời 10 năm mới phải đầu tư lại. Chính vì hiệu quả cao nên từ chỗ chỉ có 13 hộ tham gia đến nay HTX đã có 63 hộ trồng măng tây xanh. Chính từ sự gương mẫu, làm ăn hiệu quả, có nhiều hộ dân đến học tập kinh nghiệm, bà Ân còn được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn.
Toàn tổ có 60 hộ đều là đồng bào Chăm, dư nợ vốn chính sách gần 2,3 tỷ đồng mà không có nợ lãi tồn, đến nay đã có 20 hộ thoát nghèo. Bà Ân chia sẻ: “Là Tổ trưởng mình phải đi đầu gương mẫu, rồi tuyên truyền vận động bà con có vay là có trả, phải tiết kiệm, sử dụng vốn đúng mục đích”.
Bà Ân cũng có cách làm rất sáng tạo là vận động chị em mỗi người tiết kiệm 100.000 đồng/tháng để đi tham quan hằng năm, có những chị từ bé đến lớn “còn chưa biết quảng trường Ninh Thuận” nay đã được đi du lịch Nha Trang, Phan Thiết… nên sau mỗi chuyến đi được mở mang tầm nhìn khiến chị em rất phấn khởi, tập trung làm ăn, cán bộ tuyên truyền vận động cũng thuận lợi hơn.
Bên cạnh sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể ở cơ sở như chúng tôi đã nêu ở các bài trước, mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn còn được xem là cánh tay nối dài của NHCSXH để đưa nguồn vốn cùng các chính sách của Đảng, Nhà nước đến trực tiếp với người dân. Bởi vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình đã nhấn mạnh một trong các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách chính là việc nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cấp ủy và chính quyền chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc họp bình xét cho vay, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; kiên quyết thay thế các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thiếu nhiệt tình, trách nhiệm, không đủ uy tín, năng lực quản lý và sức khỏe.
Huy động sức mạnh tập thể từ lợi ích cá nhân
Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), các chương trình tín dụng chính sách đã triển khai đến nhiều đối tượng với mục tiêu đa dạng, tạo nên bước đột phá về cải thiện điều kiện sống, giáo dục, môi trường và việc làm cho người nghèo, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội, ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, ổn định an ninh trật tự, phát triển nguồn nhân lực…
Nói về kết quả thực hiện Chỉ thị số 40, đồng chí Lê Minh Hoan, Uỷ viên BCH Trung ưởng - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phân tích: “Tôi nghĩ cái được lớn nhất là cấp ủy, chính quyền đều vào cuộc, đều xem đây là cơ hội để từng địa phương, từ cấp xã lên cấp huyện mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Cái được thứ hai nữa là các tổ chức chính trị - xã hội cũng có điều kiện quan tâm chăm lo nhiều hơn cho đoàn viên, hội viên của mình. thông qua ủy thác cho vay từ NHCSXH, sự gắn bó giữa đoàn viên, hội viên được tốt hơn”. Trên thực tế, hoạt động nhận ủy thác từ NHCSXH đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động, tăng số lượng hội viên, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp người nghèo có điều kiện được sinh hoạt tại các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó được tiếp cận với nhiều hoạt động lồng ghép như hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao KHKT, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí… Tính đến ngày 30/9/2019, 4 tổ chức chính trị - xã hội đang phối hợp với NHCSXH tham gia quản lý 199.944 tỷ đồng, chiếm 99.6% tổng dư nợ tín dụng chính sách.
Thực hiện Chỉ thị số 40 đã cho thấy những bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho giai đoạn phát triển tiếp theo của tín dụng chính sách xã hội. Đó là chủ trương xuất phát từ cơ sở, phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân, cùng với sự quyết tâm, quyết liệt trong tổ chức thực hiện của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp. Cơ quan được giao tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ là NHCSXH đã bám sát, chủ động và tích cực tham mưu các cấp, các ngành để triển khai thực hiện. Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động mang đặc thù riêng phù hợp với cấu trúc chính trị ở Việt Nam; thể hiện tính nhân văn và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm thực hiện và triển khai bài bản tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân kịp thời và đầy đủ để biết, kiểm tra, giám sát từ cơ sở…
Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm, đồng chí Lê Đình Sơn, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng: “Điều quan trọng là cán bộ phải biết tổ chức cho người dân, gắn với cộng đồng, lồng ghép được nguồn lực tham gia. Trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng, đội ngũ cán bộ càng hiểu sâu sắc người dân hơn và kết quả làm được cho người nghèo là thước đo năng lực cán bộ”.
Tính đến 30/9/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 200.813 tỷ đồng, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ; tập trung chủ yếu vào 8 chương trình lớn, chiếm trên 96% tổng dư nợ, gồm: Chương trình cho vay hộ nghè, 5 năm qua đã giúp cho gần 1,8 triệu hộ vươn lên thoát khỏi ngưỡng nghèo; Chương trình cho vay hộ cận nghèo; Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo; Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giúp xây dựng gần 6 triệu công trình nước sạch vệ sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới; Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; Chương trình cho vay giải quyết việc làm giúp cho gần 902.000 lao động có việc làm; Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với trên 301.000 HSSV được vay vốn đi học; Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Chất lượng tín dụng ngày càng tăng khi tổng nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,75% tổng dư nợ, giảm 14,8% so với cuối năm 2014. |
Bài và ảnh Trần Ngọc Tú
Các tin bài khác
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài 3 - Nhiều cách làm sáng tạo trên đất sen hồng)
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài 2 - Nuôi giấc mơ đến trường ở vùng quê nghèo)
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài 1 - Gieo vốn trên đỉnh mây ngàn)
- » 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Đồng Tháp: Nhân lên niềm tin
- » Quỹ Châu Á khảo sát, đánh giá dự án Mobile banking giai đoạn 2
- » Nghiệm thu đề tài “Xây dựng phần mềm ứng dụng cảnh báo phòng ngừa rủi ro tín dụng trong hoạt động của NHCSXH”
- » NHCSXH nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp hệ thống
- » NHCSXH chúc mừng Hội LHPN Việt Nam nhân ngày 20 - 10
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)